Tây Ninh: Phát hiện hơn 130 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 1,4 tỷ đồng
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh, trong thời gian qua, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đúng với chất lượng quảng cáo, giới thiệu, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc còn diễn ra.
Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên nền tảng số, thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn do công thức chưa có nhiều kinh nghiệm. Cùng với đó, các đối tượng buôn lậu, gian lận ngày càng tinh vi; hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng lậu được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, internet khó kiểm soát.
Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây vận chuyển trái phép hàng hóa cầm đầu đường dây vận chuyển trái phép hàng hóa thường trú bên Campuchia hoặc các tỉnh, thành trong cả nước. Phương thức thủ đoạn hoạt động tinh vi, liên lạc giao dịch chủ yếu bằng điện thoại qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Wechat, Telegram, Zalo… giao dịch xong xóa hết các dữ liệu trong điện thoại, chuẩn bị nội dung khai báo với lực lượng chức năng, gây khó khăn cho việc khai thác dữ liệu trong điện thoại, đấu tranh khi bắt giữ. Nhiều đối tượng vận chuyển hàng thuê không biết địa chỉ, nhân thân, lai lịch của đối tượng chủ nậu nên việc phát hiện, bắt giữ, mở rộng vụ việc gặp nhiều khó khăn.
Ban chỉ đạo 389 Tây Ninh, Ban chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thưc hiện tốt hơn nữa trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ảnh minh họa). |
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng đã nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh nói chung. Đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Quảng cáo, giới thiệu hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… nhất là thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc trên địa bàn.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị thuộc Ban Chỉ đạo 389 đã kiểm tra tổng 337 vụ việc, phát hiện 132 vụ vi phạm. Tổng thu ngân sách hơn 1,4 tỷ đồng (trong đó, phạt hành chính gần 1,25 tỷ đồng; bán hàng tịch thu gần 160 triệu đồng).
Hàng hóa vi phạm đa dạng, bao gồm: hơn 103 tấn chân gà đông lạnh; 7,8 tấn đường cát, hơn 170 linh kiện điện thoại, hàng trăm mặt hàng thời trang, hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm vi phạm… tổng trị giá hàng hóa hơn 2,4 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã khởi tố 1 vụ án hình sự (1 bị can) về hành vi buôn bán hàng giả.
Ban Chỉ đạo 389 cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, riêng đối với hàng hóa là thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc đơn vị đã kiểm tra 49 vụ việc, phát hiện 47 vụ việ, thu nộp ngân sách hơn 600 triệu đồng, tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 2 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh tiếp tục triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị, Chỉ đạo, Kế hoạch của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung và đối với hàng giả, hàng nháu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa không đúng với chất lượng quảng cáo, giới thiệu, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… nhất là thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc nói riêng.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 389 yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác phối hợp trong nội bộ các ngành liên quan để trao đổi thông tin, phối hợp tổ chức lực lượng đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến, địa bàn, đơn vị, lĩnh vực phụ trách.
Đề nghị Văn phòng Thường trực tham mưu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các lực lượng chức năng thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Phối hợp tốt với cơ quan báo chí, truyền thông, Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.