Tập đoàn Trung Quốc về điện lực, năng lượng mong muốn tăng cường hợp tác, đầu tư tại Việt Nam
This browser does not support the video element.
Trong chương trình công tác tại Trung Quốc, ngày 6/11, tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo 2 tập đoàn hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực điện, năng lượng, gồm Tập đoàn Huadian (Hoa Điện) và Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc (Energy China).
Thủ tướng tiếp ông Giang Nhị, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Huadian (Hoa Điện) Trung Quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tập đoàn Huadian (Hoa Điện) Trung Quốc là doanh nghiệp nhà nước trung ương thuộc thuộc Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước của Quốc vụ viện; hoạt động trong 04 lĩnh vực chính: sản xuất điện, cung cấp than, khoa học công nghệ và tài chính.
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Huadian (Hoa Điện) Trung Quốc - ông Giang Nhị cho biết, Tập đoàn Hoa Điện coi trọng thị trường Việt Nam, tổng mức đầu tư lũy kế đã vượt 2,8 tỷ USD với tổng công suất lắp đạt là 1,5 GW. Trong đó, Nhà máy điện Duyên Hải 2 (Trà Vinh, Việt Nam) (2x660 MW) là dự án điện có công suất lắp đặt lớn nhất và quy mô đầu tư lớn nhất ở nước ngoài của tập đoàn; Dự án điện gió tại tỉnh Đắk Lắk (4x50 MW) là dự án năng lượng tái tạo trên bờ đầu tiên được tập đoàn đầu tư tại nước ngoài.
Theo ông Giang Nhị, Tập đoàn Hoa Điện mong muốn tăng cường hợp tác, đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng gió, hydro xanh, tích trữ năng lượng (tích năng), cải tạo nâng cấp hệ thống điện, cải thiện kỹ thuật các nhà máy điện và nâng cao hiệu suất năng lượng; thành lập trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ (R&D) nhằm cùng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Hoa Điện tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong đề xuất các ý tưởng, dự án đầu tư mới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đánh giá cao hoạt động, đầu tư của Hoa Điện tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh kế hoạch của Tập đoàn mở rộng quy mô, phạm vi đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng năng lượng xanh, hiện đại, hiệu quả, giảm phát thải, phù hợp xu thế phát triển mới, khai thác tiềm năng, lợi thế về điện gió, điện mặt trời, hydrogen; cũng như phát triển, chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh nghiệm quản trị, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tất cả các khâu của ngành điện; đồng thời tiếp tục hợp tác về phân phối, mua bán điện.
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong đề xuất các ý tưởng, dự án đầu tư mới; mở rộng quy mô, đối tượng hợp tác; hình thành các trung tâm công nghiệp năng lượng gắn với các khu công nghiệp tập trung, các trung tâm chế biến, chế tạo; phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng.
Đồng thời, Thủ tướng mong tập đoàn phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đối tác, tiếp tục thành công tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung, trong đó có Tập đoàn Hoa Điện triển khai đầu tư, hoạt động các dự án thành công, hiệu quả, cùng có lợi và tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan chức năng sẽ xem xét, giải quyết các đề xuất của tập đoàn trên tinh thần nhanh nhất. Hiện phía Việt Nam đang rà soát lại các dự án năng lượng tái tạo đã đầu tư để tháo gỡ các khó khăn, đồng thời đang đề xuất sửa đổi Luật Điện lực và các quy định liên quan để tạo thuận lợi, thông thoáng trong triển khai các dự án điện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Trương Đức Lương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc (Energy China) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại cuộc tiếp ông Trương Đức Lương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc (Energy China) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh, hiệu quả, bền vững của Energy China trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng; hoan nghênh sự chủ động của Energy China khi đưa ra các đề xuất hợp tác hỗ trợ Việt Nam cũng như kế hoạch mở rộng đầu tư của Tập đoàn thời gian tới.
Đồng thời Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tích cực trong việc xây dựng, sửa đổi những chính sách liên quan phát triển năng lượng, phát triển hạ tầng phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội và các điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Energy China mở rộng quy mô, phạm vi, đối tượng đầu tư phát triển năng lượng tại Việt Nam; nhất là tham gia các dự án điện sạch tại Việt Nam như điện gió, điện mặt trời, điện khí LNG, điện tích năng; hoan nghênh tập đoàn tham gia các dự án giao thông tại Việt Nam như đường bộ cao tốc thông qua các dự án hợp tác công tư (PPP) hoặc đấu thầu thi công đường bộ, các tuyến đường sắt tiêu chuẩn, đường sắt tốc độ cao….
Thủ tướng hoan nghênh sự chủ động của Energy China khi đưa ra các đề xuất hợp tác hỗ trợ Việt Nam cũng như kế hoạch mở rộng đầu tư của Tập đoàn thời gian tới. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Energy China (2011) là một tập đoàn đa ngành trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo đánh giá của Tạp chí Fortune, với 256 chi nhánh tại 147 quốc gia, vùng lãnh thổ. Energy China đang triển khai 16 dự án với 12 doanh nghiệp liên danh tại Việt Nam và tổng vốn đầu tư hơn 2,2 tỷ USD, bao gồm các dự án nhà máy sản xuất nhiệt điện tại Hải Dương (2x600 MW, tổng vốn đầu tư 1,86 tỷ USD) và điện gió tại tỉnh Ninh Thuận (50 MW); tham gia các gói thầu EPC tại các nhà máy nhiệt điện lớn như Vĩnh Tân I (2x600 MW), Duyên Hải I (2x622 MW), Vũng Áng I (2x600 MW)…
Tại cuộc tiếp, lãnh đạo Energy China khẳng định rất có lòng tin với hoạt động đầu tư tại Việt Nam; đề xuất mở rộng hợp tác về thủy điện tích năng, xây dựng các tổ hợp tích hợp cả nhiệt điện và các dự án điện tái tạo để phát huy hiệu quả cao nhất, phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi; sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm truyền tải, an toàn điện; mong muốn tham gia nghiên cứu và đưa ra giải pháp phát triển xanh, phát triển ít carbon tại Việt Nam… Tập đoàn cũng mong muốn hợp tác trong lĩnh vực giao thông, đặc biệt là các dự án tích hợp giao thông-năng lượng sử dụng điện gió, điện mặt trời để chiếu sáng, cung cấp điện cho các trạm xăng, trạm dừng nghỉ…; các dự án đường sắt…
Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc. Đoàn đại biểu chính thức tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024 gồm có: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ; Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường; Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh; Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Văn Tuyến; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp. |