Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Vượt khó, nỗ lực đẩy mạnh công tác tái cơ cấu
Nhiều chỉ tiêu đạt kết quả tích cực trong 6 tháng
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nêu rõ, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng đến nước ta. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các đơn vị thành viên đã nỗ lực, cố gắng phấn đấu để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh trong 6 tháng năm 2023.
Sản lượng tiêu thụ mặt hàng chủ lực là phân bón các loại tăng 8,8%, lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian suy giảm, cung ứng đầy đủ các mặt hàng phân bón với chất lượng ngày càng nâng cao.
Các nhóm sản phẩm cao su, điện hóa, hóa chất cơ bản, chất tẩy rửa, khí công nghiệp cũng có sự phục hồi mạnh mẽ: sản lượng tiêu thụ lốp radial toàn thép tăng 11,3%; axit Clohidric HCl tăng 8,2%; chất giặt rửa các loại tăng tới 18,7%.
Trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu, giá trị xuất khẩu của Tập đoàn vẫn được giữ vững, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022.
So với lũy kế 6 tháng năm 2019 (là thời điểm trước khi diễn ra Đại dịch Covid-19), doanh thu toàn Tập đoàn 6 tháng năm 2023 tăng trưởng 30%; lợi nhuận tăng đến 15%.
Nhìn chung, doanh thu Tập đoàn trong 6 tháng đã đạt 48% kế hoạch. Đặc biệt, Tập đoàn đã ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động. Như vậy, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng về cơ bản, các chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu, lợi nhuận, xuất khẩu... đang bám sát kế hoạch đề ra, là cơ sở để Tập đoàn tiếp tục nỗ lực, cố gắng để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cho cả năm 2023.
Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Đánh giá cao những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khẳng định kết quả này có được là nhờ những bài học kinh nghiệm tích lũy được thời gian qua về ứng phó với diễn biến bất thường của bối cảnh trong nước và quốc tế, đặc biệt là trong gần 3 năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Nỗ lực tái cơ cấu
Về Đề án cơ cấu giai đoạn 2021-2025, hiện Tập đoàn đã có văn bản về việc xin ý kiến dự thảo Tờ trình và Quyết định phê duyệt “Kế hoạch sắp xếp lại Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2022-2025 và Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2021-2025”. Tập đoàn tiếp tục thực hiện thoái vốn tại một số doanh nghiệp theo Quyết định số 16/QĐ-TTg của Chính phủ và văn bản số 536/UBQLV-CN của Ủy ban.
Tập đoàn đang tích cực triển khai phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn đối với một 03 đơn vị: Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem. Hiện Đề án tái cơ cấu này đã được Bộ Chính trị thông qua tại văn bản số 5810 - CV/VPTW ngày 29 tháng 12 năm 2022, đồng ý về chủ trương các biện pháp cơ cấu lại nợ vay và hiện đang được Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tập đoàn đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức tín dụng để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép thực hiện ngay các biện pháp cơ cấu lại nợ vay đã được Bộ Chính trị thông qua để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các Dự án/doanh nghiệp.
Tập đoàn đã hoàn thiện Kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm định của các Bộ, Ngành...và có báo cáo số 878/HCVN-HĐTV ngày 20 tháng 6 năm 2023 đề nghị Ủy ban trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Dồn toàn lực hoàn thành mục tiêu 2023
Ôông Phạm Văn Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực và kết quả khả quan của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 6 tháng 2023 |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Phạm Văn Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực và kết quả khả quan của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 6 tháng, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung đối với tất cả các doanh nghiệp.
Ông Sơn cũng ghi nhận và đánh giá cao những doanh nghiệp đã đạt được doanh thu trên 50% sau 6 tháng đầu năm. Đây là điều kiện quan trọng góp phần cho Tập đoàn hoàn thành các chỉ tiêu của cả năm.
Dù vậy, ông Phạm Văn Sơn cũng cho rằng, các chỉ tiêu này đặt ra áp lực lớn và đòi hỏi nhiều nỗ lực từ các đơn vị trong 6 tháng cuối năm, nhất là khi Chính phủ đã yêu cầu mức giải ngân hàng tháng của các Tập đoàn, doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải cao hơn trung bình của cả nước.
“Đây sẽ là vấn đề được Ủy ban đẩy mạnh và thời gian tới, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng cần giải ngân mạnh các dự án”, ông Phạm Văn Sơn nhấn mạnh.
6 tháng cuối năm 2023, Vinachem phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế đạt 29.913 tỷ đồng, bằng cùng kỳ năm 2022; lũy kế năm 2023 đạt 54.548 tỷ đồng. Doanh thu 6 tháng cuối năm 2023 đạt 29.868 tỷ đồng, bằng cùng kỳ năm 2022; lũy kế năm 2023 đạt 57.152 tỷ đồng. Lợi nhuận cộng hợp 6 tháng cuối năm 2023 đạt 2.285 tỷ đồng, lũy kế năm 2023 đạt 3.471 tỷ đồng.
Ông Phùng Quang Hiệp - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhấn mạnh, để hoàn thành mục tiêu năm 2023 đã đề ra, các đơn vị thuộc Tập đoàn đều phải nỗ lực hết sức |
Để hoàn thành mục tiêu này, ông Phùng Quang Hiệp - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhấn mạnh, các đơn vị thuộc Tập đoàn đều phải nỗ lực hết sức.
Đối với các đơn vị thuộc Tập đoàn, ông Phùng Quang Hiệp đề nghị cần nắm bắt chặt chẽ diễn biến của thị trường để chủ động cơ cấu lại sản xuất kinh doanh phù hợp, liên kết chặt chẽ với hệ thống phân phối trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn bị phương án cho các ẩn phẩm mới. Tìm giải pháp tiêu thụ, mở rộng thị trường cho sản phẩm.
Chủ động xây dựng tổ chức triển khai hiệu quả các giải pháp quản trị mua sắm vật tư, bán hàng, chi phí tài chính, tăng cường quản lý hàng tồn kho, có biện pháp tái sử dụng hoặc thanh lý, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Tiếp tục sắp xếp, tổ chức doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tăng cường quản lý chặt chẽ các công nợ phải thu, giảm nợ khó đòi, hạn chế phát sinh công nợ quá hạn và để mối nợ bị chiếm dụng.
Đối với riêng nhóm ngành phân bón, Tổng Giám đốc Tập đoàn yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch sản xuất, bán hàng, bám sát thị trường truyền thống, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ tại các thị trường mới, giảm giá trị tồn kho (sản phẩm, vật tư...); giảm công nợ bán hàng, đặc biệt là nợ quá hạn nhằm giảm thiểu rủi ro về tài chính; tiếp tục tăng cường quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Với nhóm sản phẩm Apatit, cần tăng cường công tác kiểm tra, khắc phục kịp thời các nguy cơ có thể gây mất an toàn hồ, đập, bãi thải trong mùa mưa, bão. Tập trung triển khai thực hiện Dự án Bãi thải số 3 Nhà máy tuyển Tằng Loỏng theo đúng kế hoạch đã dự kiến; đẩy nhanh tiến độ đưa Dự án Khai trường 19 vào khai thác trong tháng 7/2023... Rà soát kỹ, nghiêm túc tất cả các chi phí, đặc biệt những chi phí phát sinh (vận chuyển, bốc xúc lọc ép bùn quặng đuôi, điện năng...), nâng cao hiệu quả, đảm bảo hài hoà lợi ích chung cũng như của các đơn vị sử dụng.
Với các nhóm sản phẩm cao su, điện hóa, hóa chất cơ bản, chất tẩy rửa, khí công nghiệp, đề nghị các đơn vị tiếp tục bám sát tình hình, có những quyết sách hợp lý tận dụng tốt cơ hội để đẩy mạnh tiêu thụ, phát huy hết năng lực máy móc thiết bị đã và đang đầu tư, quan tâm phát triển sản phẩm mới để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh ở mức cao nhất có thể và không thấp hơn kế hoạch Tập đoàn giao.
Các đơn vị thuộc diện phải di dời cần chủ động xây dựng phương án di dời, tái thiết nhà máy theo kế hoạch lộ trình để không làm đứt gãy “chân hàng”.