Tập đoàn Hóa chất: Đổi mới công nghệ, tăng năng suất
Dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty CP Ắc quy Tia Sáng.
- Ông Chử Văn Nguyên - Trưởng ban Kỹ thuật (Vinachem) - cho biết, hiện vẫn tồn tại một số nguyên nhân khiến chi phí đầu vào sản xuất của các doanh nghiệp hóa chất tăng, như: Doanh nghiệp sử dụng các dây chuyền sản xuất có công nghệ và thiết bị cũ, lạc hậu; dây chuyền sản xuất được đầu tư thêm thiết bị nhưng vẫn trong tình trạng chắp vá hoặc không đồng bộ. Ngoài ra, dây chuyền sản xuất không tận dụng triệt để được sản phẩm phụ, chất thải và năng lượng thải nên rất lãng phí, dẫn đến giá thành sản xuất cao, gây ô nhiễm môi trường.
Để khắc phục tình trạng này, nhiều doanh nghiệp hóa chất đã tăng cường áp dụng các công nghệ mới, nhập khẩu thiết bị hiện đại. Các nhà máy mới đã và đang triển khai xây dựng đều lựa chọn các công nghệ tiên tiến từ những nước công nghiệp phát triển, thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Điển hình như: Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển đã cải tiến thay đổi trắc đồ lò cao sản xuất phân lân nung chảy; nâng công suất lên 100.000 tấn/năm (11-12 tấn/giờ), so với thiết kế ban đầu là 10.000 tấn/năm. Giảm định mức tiêu hao than tại cửa lò 67,7%, giảm định mức tiêu hao điện là 81,3%. Nâng công suất lò lên 13-14 tấn/giờ, chất lượng sản phẩm được nâng cao, đạt yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và một số nước khác.
Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã xây dựng công trình chuyển đổi công nghệ sản xuất axit sunphuric của các xưởng I và II từ tiếp xúc đơn, hấp thụ một lần sang công nghệ tiếp xúc kép, hấp thụ 2 lần. Công trình này không những tăng hiệu quả sản xuất, giảm định mức tiêu hao nguyên liệu mà còn làm giảm ô nhiễm khí thải công nghiệp xuống dưới mức cho phép của quy chuẩn Việt Nam. Định mức tiêu hao lưu huỳnh trước và sau khi chuyển đổi giảm 1,2% và đến nay đã giảm 2,4%, giúp công ty mỗi năm tiết kiệm hàng trăm tấn lưu huỳnh nguyên liệu.
Công ty CP Cao su Đà Nẵng cũng từng bước hiện đại hóa công nghệ, thiết bị, đồng thời cải thiện căn bản điều kiện làm việc và môi trường sản xuất, nhờ vậy năng suất lao động tăng lên không ngừng. Theo thống kê, năng suất lao động năm 2009 tăng 10 % so với năm 2008, năm 2010 tăng 15 % so với năm 2009…
Việc đầu tư công nghệ điện phân xút - clo bằng phương pháp màng trao đổi ion (Membran) ở nhà máy hóa chất Biên Hòa (thuộc Công ty TNHH một thành viên Hóa chất cơ bản miền Nam) và Công ty CP Hóa chất Việt Trì cũng đem lại hiệu quả lớn. Do áp dụng công nghệ mới, hiện đại, đã tăng năng lực sản xuất của 2 nhà máy lên trên 50.000 tấn/năm và tạo ra sản phẩm có chất lượng vượt trội, giảm định mức tiêu hao nguyên - nhiên liệu.
Một số lĩnh vực công nghiệp hóa chất như: Sản xuất pin - ắc quy, sơn, các chất tẩy rửa, sản xuất khí công nghiệp, khai thác quặng apatit… những năm qua đã phát triển nhanh chóng, nhờ đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ và thiết bị. |
Nguyễn Duyên