Thứ bảy 09/11/2024 01:33

Tập đoàn điện lực Việt Nam: Cần điều chỉnh giá điện phù hợp với biến động đầu vào

Chi phí sản xuất điện tăng cao, tài chính khó cân đối, ảnh hưởng đến việc cấp điện, do đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ý kiến cần điều chỉnh giá điện.

Dù đã có nhiều nỗ lực tiết kiệm chi phí song chi phí sản xuất điện tăng cao do nhiên liệu đầu vào tăng khiến số lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng. Đề nghị điều chỉnh giá điện đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các Tổng Công ty Điện lực trực thuộc kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu xem xét. Vậy đâu là lý do chính EVN đề nghị điều chỉnh giá điện vào thời điểm này?

Đầu vào tăng, đầu ra giữ nguyên

Theo đại diện EVN, từ đầu năm 2022 đến nay giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện đều tăng vọt. Chẳng hạn, bình quân giá than trộn của TKV, Tổng công ty Đông Bắc đã tăng 63%. Giá than nhập khẩu cũng tăng hơn gấp đôi, lên 304,8 USD một tấn. Dầu thô Brent lên 104,4 USD một thùng, gấp gần 2,5 lần.

Mặc dù đầu vào cho sản xuất điện tăng, nhưng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ giá bán điện chưa thể tăng, lý do được đưa ra là nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm 2022, nền kinh tế nói chung và lĩnh vực năng lượng nói riêng đã chịu ảnh hưởng nặng nề của sự đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid, cộng thêm tình hình xung đột ở Uraine dẫn đến những biến động tăng chi phí sản xuất năng lượng, trong đó có điện.

Báo cáo mới nhất của EVN cho thấy, mặc dù, EVN đã nỗ lực, cố gắng để tiết giảm chi phí nhưng với các giải pháp trong nội tại mà EVN đã thực hiện không thể bù đắp được chi phí mua điện, kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm 2022 của Công ty Mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, dự kiến cả năm 2022 sẽ lỗ khoảng 31.328 tỷ đồng (bao gồm trích lập dự phòng lỗ tại các Tổng công ty Điện lực và Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia là 9.658 tỷ đồng theo quy định).

Mặc dù tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2022 ước đạt 383,832 nghìn tỷ đồng, đạt 100,66% so với kế hoạch. Nhưng do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí mua điện của EVN tăng rất cao. Theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt đầu năm thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN dự kiến lỗ 64.805 tỷ đồng.

Đại diện EVN cho biết, sở dĩ EVN lỗ vì nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện (than, dầu, khí) tăng đột biến khiến chi phí sản xuất tăng cao. Đặc biệt là giá than, thời đỉnh điểm những tháng đầu năm, cao gấp 5 lần so với giá những năm trước, và hiện vẫn đang ở mức cao.

Thống kê cho thấy, nhiều nhà máy nhiệt điện than có giá than nhập khẩu đã tăng gần 4 lần so với 2021. Do đó để tiết kiệm chi phí đầu vào nhiều nhà máy đã sử dụng than trộn giữa than nhập khẩu và than trong nước. Nhưng loại than trộn này cũng tăng gấp rưỡi so với hồi đầu năm.

Nếu như năm 2020, giá điện bán ra sử dụng than nhập khẩu là 1000 đồng/kWh thì 9 tháng đầu năm, con số này là 4.200 đồng/kWh. Nhiệt điện than chiếm 37% tổng sản lượng điện toàn hệ thống, do giá đầu vào tăng dẫn đến chi phí sản xuất điện tăng cao.

Trong khi đó, nguồn điện Năng lượng tái tạo chiếm 14%, với giá bán 1800 đồng/kWh cao hơn nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân.

Cùng với đó, giá sắt thép để xây dựng các dự án điện đều tăng cao, cộng thêm yếu tố tỷ giá USD biến động tăng. Đó là chưa kể đến các yếu tố khác như tăng lương, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội của EVN trong 2 năm đại dịch…cũng khiến nguồn tài chính của Tập đoàn bị ảnh hưởng.

Theo ông Nguyễn Xuân Nam – Phó Tổng giám đốc EVN, giá dầu và khí đã tăng lên gấp đôi so với trước đây làm chi phí sản xuất điện khí đã tăng gấp đôi. Bên cạnh đó, tỷ giá tăng 9%...đã khiến chi phí sản xuất của EVN tăng đột biến.

Thị trường điện Việt Nam: Mới “một nửa thị trường”

Thị trường điện cạnh tranh Việt Nam chính thức được vận hành từ 01/7/2022, đến nay sau 10 năm đi vào hoạt động, thị trường đã phát huy hiệu quả bước đầu khi mà tạo dựng được sự công bằng và minh bạch cho các doanh nghiệp tham gia thị trường.

Tại Hội thảo APEC về thúc đẩy năng lượng tái tạo cho phát triển nông thôn vùng sâu và vùng xa vào giữa tháng 8/2022 vừa qua, đã có chuyên gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á phải thốt lên rằng: “Mặc dù Việt Nam đã xây dựng vận hành thị trường điện cạnh tranh, tuy nhiên đây mới chỉ được coi là một nửa thị trường. Một nửa thị trường chưa phải là thị trường và Việt Nam vẫn chưa có một thị trường điện cạnh tranh đầy đủ khi mà Nhà nước vẫn phải gồng mình bù lỗ giá điện cho các đơn vị sản xuất để lấp khoảng trống giữa giá mua cộng chi phí, hao hụt với giá bán của ngành điện”, ông Vũ Quang Đăng, chuyên gia độc lập của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) nhận định.

Đó là chưa kể tại các khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa giá điện vẫn được nhà nước điều tiết và “cào bằng” mặc dù chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng lưới điện cao hơn rất nhiều so với khu vực khác, bên cạnh đó chính sách hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo cũng được nhà nước thực hiện.

“Các doanh nghiệp sản xuất đang được hưởng lợi từ giá điện rẻ đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng như: Thép, Xi măng…, điều này càng làm cho công cuộc thực thi tiết kiệm năng lượng khó khăn hơn khi mà các doanh nghiệp so sánh giữa chi phí điện với chi phí chuyển đổi công nghệ và áp dụng các giải pháp kỹ thuật khác”, ông Vũ Quang Đăng nhận định.

Cơ chế điều chỉnh giá điện bán lẻ đã có 5 năm, nhưng chưa áp dụng

Hiện, giá bán lẻ điện vẫn được áp dụng theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ năm 2017. Đặc biệt, theo quy định này đã có cơ chế điểu chỉnh giá điện bán lẻ trong trường hợp biến động đầu vào. Tuy nhiên do các yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô nên việc điều chỉnh vẫn không được thực hiện.

Ông Ngô Trí Long – Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả cho biết, Quyết định 24/QD-TTg của Thủ tướng đã quy định, trong điều kiện giá đầu vào tăng hoặc giảm thì giá điện cũng cần điều chỉnh theo. Đây là yếu tố khách quan, nếu không kịp thời có giải pháp sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện.

Thực tế cho thấy, năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, đặc biệt giá nhiên liệu tăng cao dẫn đến nhiều nước trên thế giới gặp khó khăn về năng lượng. Giá điện thế giới liên tục tăng cao trước tác động của tình hình tại Ukraine và các yếu tố cung – cầu. Trong đó một số nước ghi nhận giá điện tăng cao như tại Anh giá điện tăng 80% so với nắm 2021, Hungary tăng gấp đôi, Brazil tăng 114% so với năm 2015 với mức tăng bình quân đạt 16,3% trong giai đoạn 2015-2021. Tại Thái Lan giá điện đã chạm mức cao kỷ lục, khoảng 3.300 VNĐ/kWh, tăng gần 20% so với giá đỉnh năm 2014. Tình trạng cắt giảm tiêu thụ điện đã diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới đặc biệt là một số nước châu Âu.

Theo ông Ngô Trí Long, trước những biến động về giá nhiên liệu đầu vào, hiện, hầu hết các nước trên thế giới đều đã điều chỉnh giá điện.

Trong khi giá điện tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng cao thì việc không tăng giá điện của Chính phủ Việt Nam được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá là một nỗ lực lớn của Chính phủ và ngành điện

Tuy nhiên chi phí nhiên liệu đầu vào tăng, các chi phí quản lý, sản xuất…tăng trong khi giá bán điện cố định mà không được điều chỉnh thì ngành điện sẽ bị lỗ là đương nhiên. Và sẽ còn tiếp tục lỗ nếu không có sự điều chỉnh kịp thời.

Để cân đối tài chính, ngoài các biện pháp tiết kiệm chi phí, ngành điện có thể tăng huy động các nguồn điện giá rẻ, giảm nguồn giá cao nhưng việc này cũng khó khăn vì thị trường điện theo cơ chế cạnh tranh. Một số nguồn điện năng lượng tái tạo đang phải mua với giá cao, cố định trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, trước sức ép về giá bán thấp hơn chi phí sản xuất, đã khiến EVN phải quyết định tăng nguồn phát từ các nhà máy thủy điện, điều chỉnh sản lượng Qc đối với các nhà máy Nhiệt điện. Điều này đã gây ra khó khăn cho nhiều nhà máy nhiệt điện trong thời gian gần đây và một lần nữa tính thị trường đã không được đảm bảo.

Bên cạnh đó, nguồn huy động từ các nhà máy thủy điện cũng hữu hạn bởi còn liên quan đến công tác vận hành liên hồ chứa, nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp nhất là khi hiện nay miền Bắc đã bước vào mùa khô.

Trước những khó khăn về tài chính, tại nhiều diễn đàn năng lượng gần đây, lãnh đạo EVN bày tỏ, Tập đoàn sẽ nỗ lực cân đối các khoản chi phí, thậm chí không có lợi nhuận để ổn định giá điện nhưng nếu giá đầu vào cao sẽ cực kỳ khó khăn. Do đó, Chính phủ, các bộ ngành cũng nghiên cứu tính toán, làm sao có giải pháp cụ thể để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa ngành điện và khách hàng nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung.

Điều chỉnh phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước

Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo “áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng” khi chỉ rõ: “Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng”.

Chính phủ cũng giao các cơ quan liên quan tiếp tục cập nhật tình hình biến động đầu vào, rà soát để sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng về thị trường năng lượng, trong đó có giá điện.

Hiện nay, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo giá điện phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tác động tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh trường hợp để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, dẫn tới trường hợp giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh giá điện…

Dù có sự điều tiết của Nhà nước song chủ trương, quan điểm của lãnh đạo Đảng, Chính phủ về giá năng lượng nói chung là cần theo cơ chế thị trường (thu đúng, thu đủ), ít nhất là tiệm cận với thị trường chung, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các thành phần kinh tế, nhà nước và người dân.

PV
Bài viết cùng chủ đề: Giá điện

Tin cùng chuyên mục

Đề nghị giải quyết mâu thuẫn giữa Luật Quy hoạch với Luật Điện lực (sửa đổi)

Ô tô điện ồ ạt ra mắt, gỡ nút thắt quy hoạch trạm sạc tại Việt Nam ra sao?

Sửa đổi Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư: Động lực mới cho ngành điện Việt Nam

EVNCPC chủ động ứng phó với mưa lớn khu vực miền Trung

Luật Điện lực (sửa đổi): Chính sách đã rõ ràng, đừng để tương lai thiếu điện

Luật Điện lực (sửa đổi): Những nội dung thống nhất cao đề nghị thông qua

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) có tính liên thông, đồng bộ với các luật khác

Tổng giám đốc EVNCPC kiểm tra công tác khắc phục hậu quả của bão số 6 tại PC Quảng Bình

EVN đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần

Cử tri Gia Lai phấn khởi, kỳ vọng về Luật Điện lực (sửa đổi)

Ngành điện miền Nam đưa vào vận hành loạt công trình điện trọng điểm

Sớm thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) để không lỡ mất thời cơ

Nghiên cứu cơ chế giá điện khuyến khích khách hàng điều chỉnh phụ tải điện

Hoàn thiện công trình lưới điện trung hạ áp khu vực Chư Prông, Gia Lai

Tuyên Quang: Quyết liệt đảm bảo hành lang an toàn lưới điện

PC Hải Phòng: Tăng cường quản lý, giám sát kênh truyền thiết bị lưới điện trung thế

Gỡ vướng mắc các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu

EVNSPC hoàn thành loạt công trình lưới điện 110kV chỉ trong 1 tuần

PC Lai Châu: Triển khai nhiều giải pháp đảm bảo tài sản ngành điện

Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương hoàn thành kế hoạch sản lượng điện năm 2024