Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ
PVN tập trung kinh doanh và phát triển các lĩnh vực như lọc hóa dầu, dịch vụ dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện. |
Theo đánh giá, ngành dầu khí là ngành kinh doanh có hàm lượng khoa học, công nghệ cao nhất hiện nay. Để tìm kiếm, khoan và khai thác một mỏ dầu trên thềm lục địa, vùng biển rộng lớn hàng triệu km2 đòi hỏi đội ngũ các nhà khoa học thực hành, kỹ sư, công nhân kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao. Trong những năm qua, PVN liên tục tìm kiếm thăm dò khai thác trên vùng biển Việt Nam và quốc tế. Đồng thời tập trung kinh doanh và phát triển các lĩnh vực như lọc hóa dầu, dịch vụ dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện.
Trước sự phát triển không ngừng của ngành đòi hỏi công tác khoa học phải có bước chuyển lớn mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Chính vì vậy, để đưa ra các phương án tái cơ cấu nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, chuẩn bị và đào tạo nhân lực cho ngành là một vấn đề cấp thiết, có vai trò quan trọng với sự phát triển của tập đoàn.
Hiện các đơn vị nghiên cứu khoa học và đào tạo của ngành xây dựng đề án tái cấu trúc, nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo theo chiến lược sản xuất - kinh doanh. Viện Dầu khí là một trong 3 viện/160 viện nghiên cứu có sản phẩm áp dụng vào thực tiễn hiệu quả, doanh thu cao và có lãi. Việc thành lập Trường Đại học Dầu khí (PVU), đáp ứng sự kỳ vọng lớn của nhiều thế hệ lãnh đạo ngành dầu khí. Nguyên nhân bởi nước ta chưa có trường đại học nào có thể đào tạo kỹ sư chuyên ngành dầu khí. Nhân lực được tuyển về đều phải cử ra nước ngoài đào tạo lại mất từ 2-3 năm mới đáp ứng nhu cầu công việc. Chính vì vậy, PVU được coi là đơn vị hoàn thiện chuỗi đào tạo nhân lực cho PVN công nhân kỹ thuật, kỹ sư, thạc sĩ đến tiến sĩ.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Lê Minh Hồng khẳng định: “Nghiên cứu khoa học và đào tạo là công việc luôn phải triển khai. Đây là việc cực kỳ cần thiết để tìm kiếm nhân tài, tạo ra sự sáng tạo và động lực cải tiến công nghệ cho ngành dầu khí. Công tác “đầu tư cho tương lai” sẽ đem lại hiệu quả lớn và không thể dùng các phép tính để đong đếm được.” |
Tuy nhiên, PVU mới thành lập hơn 4 năm, đang chuẩn bị cho ra trường lứa sinh viên khóa đầu tiên nên cần đánh giá lại về hiệu quả đào tạo, sự cần thiết trong chuỗi đào tạo nhân lực cho ngành. Thực tế theo đà phát triển của ngành với hướng tinh giản hóa nhu cầu về nhân lực đang giảm dần theo từng năm. Để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo cần phải điều chỉnh, cơ cấu lại lực lượng theo hướng đặt tiết kiệm và hiệu quả lên hàng đầu. Ngoài ra, phương án thành lập Học Viện Dầu khí cũng gặp một số vướng mắc, PVU chưa được cấp địa điểm lập trụ sở và các đơn vị nghiên cứu, đào tạo thuộc các bộ chủ quản khác nhau không thể sáp nhập theo quy định.
Về mô hình Học viện Dầu khí, ông Lê Minh Hồng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn - cho biết, tập đoàn tiếp tục kiện toàn trình Bộ Giáo dục Đào tạo và Thủ tướng Chính phủ xem xét. Tổ chức hội thảo chuyên đề về nghiên cứu khoa học và đào tạo, các đơn vị VPI, PVU, PVMTC cần tiếp tục hoàn thiện chiến lược, đề án tái cơ cấu nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị trình ban tổng giám đốc, hội đồng thành viên xem xét phê duyệt.