Tạo ‘đường băng’ cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo 'cất cánh': Bài 1 - Động lực tăng trưởng mới, đưa đất nước phát triển
Yếu tố quyết định phát triển
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản nhấn mạnh vai trò và định hướng phát triển đất nước dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Cụ thể, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu quan điểm chỉ đạo: “Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp, viện nghiên cứu - Ảnh: Q.N |
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 xác định KH,CN&ĐMST cùng với phát triển toàn diện nguồn nhân lực là một trong các đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Về quan điểm phát triển: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.”.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đề ra nhiệm vụ: “Hoàn thiện pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; Hoàn thiện các chính sách tài chính nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.”
Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết khẳng định: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết xác định rõ mục tiêu đến năm 2030: Tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế.
Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp.
Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; có từ 40-50 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới; số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm, tỷ lệ khai thác thương mại đạt 8-10%.
Tại Phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập về Luật KH,CN&ĐMST mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang phát triển rất mạnh mẽ, có vai trò ngày càng quan trọng và được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng mới, đưa đất nước trở thành nước phát triển vào năm 2045 như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Từng bước khẳng định năng lực nghiên cứu
Thực tế, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, với sự tận tâm, tinh thần sáng tạo và nỗ lực bền bỉ của lực lượng khoa học và công nghệ nước nhà, hoạt động KH,CN&ĐMST ở nước ta đã tạo ra nhiều thành tựu khoa học và công nghệ, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống nhân dân.
Viện Nghiên cứu Cơ khí đã cùng các đơn vị cơ khí trong nước tự lực trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cho nhiều công trình lớn của đất nước - Ảnh: Q.N |
Đơn cử, thông qua Dự án sản xuất thử nghiệm cấp quốc gia “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo tổ máy biến áp lực 500 kV - 3x300 MVA”, Tổng Công ty Thiết bị điện điện Đông Anh làm chủ công tác thiết kế, chế tạo máy biến áp 500 KV có công suất lớn nhất trên lưới điện truyền tải Việt Nam. Bên cạnh đó, với tỷ lệ nội địa hóa tới 80% đối với các máy biến áp truyền tải từ 110 kV đến 500 kV hiện nay đã trở thành đối trọng để các hãng nước ngoài bán sản phẩm vào Việt Nam phải giảm giá từ 10-30%.
Ngành dầu khí là một trong những ngành ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất so với các ngành công nghiệp khác ở trong nước. Khoa học và công nghệ có những đóng góp đáng kể trong hoạt động thăm dò vùng biển nước sâu đến 1000m, giàn khoan tự nâng đến 120 m, khai thác hiệu quả tại mỏ Bạch Hổ với sản lượng đỉnh ở mức 10,5-11 triệu tấn/năm…
Hay trong lĩnh vực nông nghiệp, đã nghiên cứu, ứng dụng và từng bước làm chủ được công nghệ chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh và chống chịu với điều kiện bất thuận và ứng dụng vào sản xuất; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hoặc làm chủ được công nghệ thiết kế chế tạo một số loại máy móc, công nghệ để ứng dụng vào sản xuất, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm... Nhờ đó, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2024 ước đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức mới với 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%, trong đó có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Trong khoa học y - dược, đã làm chủ công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị nhiều bệnh nguy hiểm, nâng cao vị thế của y học Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới như kỹ thuật ghép tạng; kỹ thuật cao trong phẫu thuật, can thiệp ít xâm lấn. Làm chủ công nghệ và sản xuất đáp ứng 11/12 vắc xin phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia...
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, những năm qua, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên vị trí 44 năm 2024. Kết quả GII 2024 của Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới, trong đó lần đầu tiên có chỉ số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho hay, Chiến lược KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030 đã xác định: KH,CN&ĐMST là nền tảng quan trọng và khâu đột phá trong chính sách công nghiệp và thương mại để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh ngành Công Thương; tự chủ về công nghệ công nghiệp, đặc biệt là các công nghệ then chốt; góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
"Thời gian qua, các kết quả nghiên cứu KH,CN&ĐMST đã được ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực của Bộ Công Thương, mang lại hiệu quả tích cực cho các doanh nghiệp" - ông Lý Quốc Hùng nhấn mạnh.
Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) chia sẻ, từ thành công của dự án đầu tiên, NARIME đã cùng các đơn vị cơ khí trong nước tự lực trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho hơn 29 công trình thủy điện vừa và lớn trong nước, trong đó có công trình thủy điện Sơn La (2.400 MW) và Lai Châu (1.200 MW).
"Sự thành công của các dự án đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước với doanh thu từ mảng việc này mang lại khoảng 8.000 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành sản phẩm từ 4,4 USD/1kg sản phẩm xuống còn 1,5 USD/1kg sản phẩm và đặc biệt, góp phần phát điện sớm 3 năm với Nhà máy thủy điện Sơn La và 1 năm với Nhà máy thủy điện Lai Châu" - Tiến sĩ Phan Đăng Phong nói.
Bên cạnh đó, dự án nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50,6%, tương đương với thiết bị công nghệ từ các nước G7 là dự án đầu tiên trong nước thực hiện, mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước.
Tuy nhiên, tốc độ và sự bứt phá về phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ KH,CN&ĐMST quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển; nghiên cứu, ứng dụng KH,CN&ĐMST chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi; thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu...
Vì vậy, đất nước ta đang đứng trước yêu cầu cần có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, mang tính chiến lược và cách mạng để tạo xung lực mới, đột phá phát triển KH,CN&ĐMST, để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị khẳng định: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. |
(Còn nữa)