Tạo đột phá về bao phủ bảo hiểm xã hội
Lợi ích thiết thực
Theo Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) năm 2014, BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc qua đời, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH. Vì vậy, chính sách BHXH được thực hiện trên cơ sở huy động sự đóng góp, tích lũy của người lao động khi còn trẻ, còn khỏe mạnh để bảo đảm ổn định thu nhập khi gặp phải các rủi ro.
BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để mở rộng đối tượng người tham gia |
BHXH Việt Nam cho biết, hiện nay, chính sách BHXH hiện đang được thực hiện với hai loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Cụ thể, BHXH bắt buộc được áp dụng đối với người lao động có quan hệ lao động (làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên); về cơ bản được thực hiện với 5 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất; trách nhiệm đóng góp được quy định thuộc về cả người lao động và người sử dụng lao động. Ngoài các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp mang tính chia sẻ giữa người khỏe mạnh với người bị ốm đau, tai nạn rủi ro; chế độ hưu trí trong chính sách BHXH đang được thiết kế rất có lợi cho người lao động với mức hưởng đang cao hơn nhiều so với mức đóng góp.
Đối với BHXH tự nguyện, chính sách này hiện được áp dụng đối với những người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; hiện đang được thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Do không có quan hệ lao động theo hợp đồng nên trách nhiệm đóng góp thuộc về người lao động. Chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện đã đem lại lợi ích rất rõ, đó là cơ hội cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí - lương hưu khi về già. Đặc biệt, đối với những người tham gia BHXH bắt buộc, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng góp thì thay vì chỉ được hưởng BHXH một lần như trước đây, có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng ngay lương hưu.
Người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH phù hợp với điều kiện tài chính của mình. Hiện mức thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (700.000 đồng/tháng, khi đó mức đóng chỉ là 154 nghìn đồng/người/tháng) và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (với mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng, mức đóng là 6,556 triệu đồng/người/tháng). Người tham gia cũng có thể lựa chọn phương thức đóng rất linh hoạt: đóng hàng tháng, hàng quý, sáu tháng, hàng năm hoặc đóng một lần cho nhiều năm.
Ngoài các quyền lợi về lương hưu hàng tháng được xác định dựa trên mức đóng và thời gian tham gia của người lao động, mức lương hưu tiếp tục được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt, tăng trưởng kinh tế và khả năng cân đối của quỹ BHXH từng thời kỳ. Đặc biệt, kể từ ngày 1/1/2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, với ba mức hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo; và 10% đối với các đối tượng còn lại.
Nghị quyết 28/NQ-TW xác định rõ định hướng phát triển BHXH đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội vào năm 2030. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đây là chỉ tiêu rất cao nhưng Việt Nam vẫn quyết tâm đặt ra và tin tưởng sẽ đạt được vì có cơ sở thực tiễn. Chỉ tính riêng trong năm 2019, sau khi Nghị quyết số 28 được triển khai, BHXH tự nguyện đã ghi nhận sự đột phá ấn tượng với số người tăng mới gần 300.000 người, bằng 10 năm trước cộng lại. Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2020, BHXH tự nguyện đạt con số khoảng 1,1 triệu người tham gia, tăng 494.000 người, gần gấp đôi so với năm trước.
Tăng tính hấp dẫn cho chính sách
Mặc dù đã đạt được những đột phá bước đầu, nhưng theo đánh giá của BHXH Việt Nam, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH vẫn còn có những hạn chế nhất định, gây khó khăn trong việc mở rộng đối tượng người tham gia. Theo đó, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH trong quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung; chính sách BHXH hiện hành còn bỏ sót một số nhóm có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam chỉ rõ, chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn được người tham gia; số người nhận BHXH một lần tiếp tục gia tăng; tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương. Đồng thời, số người tham gia BHXH mới đạt trên 16 triệu người (chiếm gần 33% lực lượng lao động trong độ tuổi). Như vậy, còn hơn 30 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 67% lực lượng lao động chưa tham gia BHXH.
Trước những hạn chế hiện nay, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - ông Trần Đình Liệu nhấn mạnh, BHXH các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai kế hoạch, chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia, giảm nợ đọng. Nếu không có sự chuyển đổi, trong thời gian tới, số lượng người già, người lao động hết tuổi lao động không được hưởng BHXH là rất lớn; sẽ tạo áp lực, gánh nặng cho gia đình, xã hội; tác động tiêu cực đến chính sách ASXH nói riêng và nền kinh tế- xã hội nói chung của đất nước. “Những thách thức nêu trên đặt trong bối cảnh nước ta tiếp tục chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp bị phá sản, thu nhập của người dân, người lao động giảm… chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn cho việc mở rộng diện bao phủ BHXH”- ông Liệu cho hay.
Còn theo đề xuất của các chuyên gia, để tăng độ bao phủ BHXH, Nhà nước cần phải có quy định mở rộng về người tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động có thu nhập bình quân tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương tối thiểu vùng. Mặt khác, chính sách BHXH cần làm rõ sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, giúp người lao động được cộng nối thời gian tham gia BHXH và cách tính lương hưu là giống nhau, để tránh tình trạng nhận BHXH một lần khi rời khỏi khu vực tham gia bắt buộc. Bên cạnh đó, chính sách BHXH phải cố định kể từ khi tham gia đối với mỗi người lao động hoặc nếu có sự thay đổi thì cũng được thông báo ngay từ khi họ bắt đầu tham gia. Bởi chính sách BHXH ổn định mới tạo sự tin tưởng cho người dân, vừa tăng tính tự giác cho nhóm người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, vừa khuyến khích người tham gia BHXH tự nguyện.
Nhằm tạo đột phá về phát về bao phủ BHXH thời gian tới, BHXH Việt Nam cũng đã đưa ra các giải pháp cụ thể với kỳ vọng góp phần hiện thực hóa lộ trình BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28/NQ-TW. Trong đó, ngành này sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện: Giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, tiến tới xuống còn 10 năm; tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; bổ sung chế độ, chính sách ngắn hạn, linh hoạt (như chế độ ốm đau, thai sản…) để tăng tính hấp dẫn cho chính sách BHXH tự nguyện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tham gia BHXH của doanh nghiệp và người dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện…