Năm 2022, động lực tăng trưởng tín dụng được dự báo tích cực hơn so với năm 2021 do được hỗ trợ bởi chính sách điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước vừa kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
190.000 tỷ đồng ‘bơm’ ra nền kinh tế
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tính đến cuối tháng Hai tăng 1,82% so với cuối 2021. Cũng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, cuối năm 2021, dư nợ tín dụng đạt 10,44 triệu tỷ đồng.
Như vậy, trong 2 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng đã bơm ròng ra nền kinh tế hơn 190.000 tỷ đồng tín dụng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng đã tăng khoảng 2,74% trong tháng 1/2022, tương đương tăng gần 286.000 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, phản ánh sự tăng tốc đối với nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế trong tháng đầu năm.
Dù vậy, trong tháng Hai, dư nợ tín dụng đã không tăng mà còn sụt giảm 96.000 tỷ đồng. Nguyên nhân có thể do yếu tố mùa vụ khi tháng Hai rơi vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu tín dụng thường tăng mạnh trước Tết và giảm dần sau Tết.
Các chuyên gia cũng đưa ra dự báo tích cực về kịch bản tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán BSC, nhu cầu tín dụng năm 2022 sẽ tiếp tục ở mức cao và có thể tăng 14%, được hỗ trợ bởi việc tiếp tục hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh. Ngoài ra, gói hỗ trợ ước tính 350.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới cũng góp phần giúp tăng trưởng tín dụng.
Năm 2022, chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI cũng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 14%-15%. Còn Công ty Chứng khoán Bảo Việt dự báo tăng trưởng tín dụng có thể lên tới 15% cho cả năm 2022 vì theo các chuyên gia của công ty này với chương trình hỗ trợ kinh tế hồi phục sau đại dịch, đặc biệt là gói cấp bù lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ đồng cho năm 2022-2023 sẽ hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp và người dân sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Là đầu tầu kinh tế, trong 2 tháng đầu năm tổng dư nợ tín dụng của Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt trên 2,93 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với cuối tháng trước và tăng 3,54% so với cuối năm 2021; trong đó dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm 54,4% tổng dư nợ, tăng 3,7% so với cuối năm 2021; dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 45,6%, tăng 3,34%.
Với mức tăng trưởng 3,54%, tín dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh có sự phục hồi khá mạnh mẽ, tăng gần gấp đôi so với mức bình quân chung của cả nước. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng khi rơi vào kỳ nghỉ dài Tết Nguyên đán và theo quy luật hàng năm thường tín dụng tăng thấp.
Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước dự kiến mở rộng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên khoảng 14% và có thể linh hoạt theo định hướng điều hành. Việc phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sẽ được thực hiện theo các công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng và các phương án điều hành khác.
Có nên nới thêm room tín dụng?
Mới đây, Nhóm công tác ngân hàng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng để các ngân hàng có thể có nhiều dư địa cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi cần thiết.
Đối với vấn đề này, một chuyên gia cho rằng, việc cấp room tín dụng không hoàn toàn là phương án quản lý, điều hành tiền tệ hiện đại, theo cơ chế thị trường. Phương thức áp dụng trần tín dụng có thể sẽ phải dỡ bỏ trong tương lai khi phương thức vay cũng như các ngân hàng thương mại đáp ứng được điều kiện của một thị trường phát triển.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trong những tháng tới, dự báo nhu cầu vốn của doanh nghiệp sau dịch kỳ vọng sẽ còn tăng cao. Để kinh tế phục hồi tốt hơn thì việc mở tỷ lệ tín dụng cho các ngân hàng sẽ có lợi cho khách hàng và doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước nên bỏ room tín dụng để cho mỗi ngân hàng tự quyết kế hoạch kinh doanh của mình. Tùy ngân hàng có thể tăng room tín dụng lên 10%-20% nếu họ có thể huy động được vốn và vẫn tuân thủ chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Trong khi đó, môt số chuyên gia của các công ty chứng khoán nhận định với việc được nới room tín dụng trong thời điểm hiện nay, ngân hàng sẽ có thêm cơ hội cho vay mới và các gói tín dụng ưu đãi lãi suất của các ngân hàng thời gian gần đây hướng mạnh vào duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi nền kinh tế trở lại.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cũng chia sẻ room tín dụng Ngân hàng Nhà nước cấp cho các ngân hàng không dồi dào, có thể nói là khá ít. Chỉ tiêu tín dụng được cấp cho mỗi ngân hàng khác nhau, ngân hàng chất lượng tài sản tốt được nhiều, xếp hạng vừa thì được ít hơn.
Thông thường, Ngân hàng Nhà nước dựa vào xếp hạng A, B, C của từng tổ chức tín dụng để cấp hạn mức tín dụng. Trong các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh.
Được biết, nguyên tắc chung trong phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là dựa vào quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn, quy mô khách hàng của từng tổ chức tín dụng. Ngoài ra, các chỉ tiêu cộng thêm bao gồm tổ chức tín dụng có tỷ trọng cao trong cho vay sản xuất kinh doanh hoặc cho vay các lĩnh vực Chính phủ ưu tiên phát triển.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng giám sát chặt tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp; kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Trong hai năm qua, khi dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, thì yếu tố ngân hàng nào giảm lãi suất, phí, cơ cấu lại nợ cho khách hàng càng nhiều sẽ được Ngân hàng Nhà nước tính thêm điểm cộng trong xét cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng./.