Tăng trưởng kinh tế của Đồng bằng sông Hồng và Trung du, miền núi Bắc bộ cao hơn mức bình quân của cả nước
Nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng cao
Thông tin trên vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 Vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du, miền núi Bắc bộ diễn ra ngày 14/9 theo hình thức trực tuyến.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch 5 năm trên các lĩnh vực theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là, “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị |
Có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, song năm 2021 cũng là năm vô cùng khó khăn do nền kinh tế phải đối mặt với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội Vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du, miền núi Bắc bộ 8 tháng đầu năm vẫn cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng của 2 vùng đều cao hơn mức bình quân chung cả nước, trong đó, một số địa phương có tốc độ tăng trưởng nằm ở nhóm cao nhất cả nước, như: Hòa Bình, tăng trưởng 16,1%, Vĩnh Phúc, tăng 14,21%, Hải Phòng, tăng 13,52%, Sơn La, tăng 10,67%, Hà Nam, tăng 10,41%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 8 tháng của 2 vùng đạt 406,62 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,25% số thu cả nước; Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt 108,62 tỷ USD, chiếm trên 50% cả nước; Tổng vốn FDI đăng ký trong 8 tháng đạt 6,9 tỷ USD, chiếm 36,1% cả nước; Số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 30.360 DN, chiếm 37,2% cả nước.
"Một số địa phương của hai vùng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang… đã kiểm soát tốt dịch bệnh góp phần khôi phục đời sống của người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trung vùng |
Đề xuất giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch
Dù đạt được tốc độ tăng trưởng khá tích cực, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du, miền núi Bắc bộ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm 2021. Cụ thể, Thủ đô Hà Nội dự kiến tăng trưởng trong năm 2021 khoảng 4,54%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra là khoảng 7,5-8,0%.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng của hai vùng trong năm 2021 ước đạt 7,04%. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống xã hội và sản xuất, kinh doanh, nhiều thị trường suy giảm mức cầu nên một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các địa phương trong vùng, như: Ôtô, xe máy, điện thoại, linh kiện điện tử sụt giảm.
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm 2021 và lập kế hoạch cho phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2022, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, các địa phương cần đánh giá toàn diện, phân tích các mặt được, chưa được và làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, cũng như các giải pháp triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư 8 tháng đầu năm, ước thực hiện cả năm 2021. Từ đó, kiến nghị các giải pháp đúng, chia sẻ cách làm hay để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, triển khai kế hoạch đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, nhất là công tác giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các địa phương của 2 vùng, dự kiến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022. Trong đó, cần tập trung về công tác dự báo, đánh giá, phân tích tình hình, bối cảnh “bình thường mới”, nêu bật những vấn đề khó khăn, vướng mắc và những tồn tại, hạn chế để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, giải đáp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ. Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đảm bảo triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương và vùng.
Đối với công tác quy hoạch, dù Chính phủ đã có hội nghị chuyên đề riêng về vấn đề này, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vẫn đề nghị các địa phương nêu thêm các khó khăn, vướng mắc; đồng thời kiến nghị đề xuất đối với việc triển khai công tác quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và các quy hoạch có liên quan, để có các biện pháp tháo gỡ kịp thời, nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Vấn đề liên kết vùng, quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du, miền núi Bắc bộ. Nếu làm tốt vấn đề liên kết vùng và quy hoạch vùng sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau. |