Thứ năm 05/12/2024 01:55

Tăng trưởng GDP trên 7%: Áp lực đã biến những điều không thể thành có thể!

Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 dự kiến đạt trên 7%, vượt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra và vượt xa dự báo của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước.

Kiên định với mục tiêu tăng trưởng

Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc được tổ chức vào ngày 1/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa thông tin dự báo, 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ước đạt trên 7%, thuộc nhóm số ít các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Năm 2024, GDP của Việt Nam được dự báo tăng trưởng trên 7%. Ảnh: ST

Còn nhớ hồi đầu năm 2024, khi Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% cho cả năm, nhiều ý kiến cho rằng, đây là mục tiêu quá cao, thậm chí có ý kiến cho cho rằng, Việt Nam không thể thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng này. Một số chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước còn đưa ra đề xuất, Việt Nam nên hạ bớt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 để giảm áp lực cho các bộ, ngành, địa phương và nền kinh tế. Bởi thực tế trong một số năm gần đây, Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn thực tế đạt được. Cụ thể năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% nhưng thực tế đạt được chỉ 5,05%.

Tuy nhiên, dù thừa nhận nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% trong năm 2024. Cụ thể, thời điểm kết thúc quý I/2024, sau khi có kết quả tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, Bộ kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cả năm. Trong đó, kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 6%, cận dưới mục tiêu Quốc hội quyết nghị. Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị.

Tuy nhiên, thay vì lựa chọn kịch bản ít thách thức hơn, Chính phủ vẫn kiên định với kịch bản tăng trưởng 6,5%. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%.

Với mức tăng trưởng trên 7%, Việt Nam trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN. Ảnh ST

Dự báo tăng trưởng vượt xa mục tiêu đề ra

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tăng trưởng GDP quý II/2024 đã bứt tốc, ước đạt 6,93% cao hơn cùng kỳ năm 2023 và chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2024. Từ những kết quả trên, tại Nghị quyết số 108/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Chính phủ đã xác định phấn đấu mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 khoảng 7%.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm, tổ chức tốt Chương trình thi đua 500 ngày nỗ lực cố gắng hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc.

Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) và có chính sách thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị thông minh; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, lĩnh vực giá trị gia tăng cao như chip, bán dẫn, AI…

Với những nỗ lực trên, tăng trưởng GDP quý III/2024 đã đạt được thành tích ấn tượng, với 7,40%, đưa GDP 9 tháng đạt mức 6,82%. Với kết quả trên, nhiều chuyên gia, tổ chức kinh tế đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 có thể vượt mức 7%, tức là vượt xa so với mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu năm là tăng trưởng từ 6-6,5%.

Ngân hàng HSBC mới đây đã đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 sẽ đạt 7%, trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN và tạo ra GDP mới nhiều tương đương Hà Lan. Thậm chí, dựa vào nội lực cơ bản của nền kinh tế như nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng và du lịch lấy lại đà tăng trưởng, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh còn đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt 7,2-7,3%.

Tại Hội nghị toàn quốc diễn ra vào ngày 1/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư; tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.

Như vậy, nhờ sự kiên định với mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, cộng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tăng trưởng GDP của Việt Nam từ chỗ được nhận định khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2024 đã được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng GDP trên 7%. Rõ ràng, khi có áp lực và những nỗ lực phi thường, Việt Nam có thể biến những điều không thể trở thành có thể.

Tất Bình
Bài viết cùng chủ đề: tăng trưởng kinh tế (GDP)

Tin cùng chuyên mục

Gia Lai: Ấm lòng những suất cơm miễn phí đến với bệnh nhân nghèo

Bước đi 'thần tốc' của ngành điện nhìn từ Luật Điện lực (sửa đổi): Biến điều không thể thành có thể

Tái khởi động điện hạt nhân Ninh Thuận: Công nghệ nào cho Việt Nam?

Luật Điện lực (sửa đổi): Kỳ tích mới của ngành Công Thương trong hoàn thiện thể chế

Hơn 10.000 người tham gia Cuộc thi Tìm hiểu truyền thống ngành Công Thương

Thu phí dịch vụ 'lối đi ưu tiên' tại sân bay Đà Nẵng gây nhiều ý kiến trái chiều

TS. Hà Đăng Sơn: Luật Điện lực (sửa đổi) khơi thông các điểm nghẽn để phát triển bền vững

Lòng tham - mảnh đất nuôi dưỡng cho hình thức lừa đảo Ponzi

Báo chí trong nước đưa tin nổi bật, nhấn mạnh vai trò then chốt của Luật Điện lực (sửa đổi) sau khi được thông qua

PGS.TS. Ngô Trí Long: Luật Điện lực (sửa đổi) tạo ra khung pháp lý thuận lợi cho phát triển thị trường điện

Truyền thông quốc tế nói gì về Luật Điện lực (sửa đổi) mới được thông qua?

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW

Những ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Luật Điện lực (sửa đổi)

Chuyện ở huyện Sóc Sơn: Đấu giá đất hay cố tình phá đám?

Doanh nghiệp Việt phải tuân thủ 'luật chơi' để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Gian nan bài toán xử lý chợ tự phát ở Hà Nội

Tinh gọn bộ máy trong kỷ nguyên vươn mình: Thấy gì từ những cuộc cắt giảm lịch sử?

Sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Chính sách cần gắn với thực tiễn

Tái khởi động điện hạt nhân: Quyết sách chiến lược vì tương lai năng lượng Việt Nam

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để 'khơi dòng' tài chính xanh