Tăng năng suất lao động: Cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng
Nêu ý kiến tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, ngày 26/5, TS. Phạm Thu Lan, Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhấn mạnh, mọi người lao động đi làm đều quan tâm tới tiền lương, đặc biệt là người có thu nhập thấp.
Đại diện Viện Công nhân - Công đoàn nêu rằng, thực tế đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ và tỉ lệ thuận giữa tiền lương, thưởng và phúc lợi với động lực làm việc, sự hài lòng và toàn tâm trong công việc. “Người lao động dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ nhảy việc cao, 8-12%/tháng ở các ngành đông lao động”- bà Lan nói.
TS. Phạm Thu Lan, Viện Công nhân - Công đoàn. Ảnh VGP |
Theo TS. Phạm Thu Lan, trong quan hệ kinh tế, nhảy việc để tìm kiếm công việc phù hợp với kỹ năng, trình độ và phát huy tối ưu năng lực của bản thân là việc bình thường, nhưng nhảy việc chỉ thuần túy để tìm kiếm mức lương cao hơn cho một công việc tương tự lại là sự lãng phí không đáng có.
Trong gần 40 năm đổi mới, khẳng định Chính phủ rất nỗ lực cải thiện tiền lương, đời sống, việc làm và thu nhập thông qua nhiều chính sách và biện pháp toàn diện, TS. Phạm Thu Lan cho rằng, chúng ta tự hào về kết quả tăng năng suất trong chặng đường đã qua, nhưng tăng năng suất lao động trong chặng đường sắp tới là một thách thức, bởi chuyển từ một nước thu nhập thấp lên một nước thu nhập trung bình dễ hơn rất nhiều so với từ một nước thu nhập trung bình lên thu nhập cao.
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, bà Phạm Thu Lan khuyến nghị, tăng năng suất lao động giai đoạn tới không thể dựa vào việc đi tiếp con đường đã đi mà đòi hỏi sự chuyển đổi mô hình, chuyển đổi nền kinh tế đi liền với chuyển đổi về việc làm, lực lượng lao động và kỹ năng. “Để thực hiện thành công sự chuyển đổi đồng bộ này, chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi đóng vai trò vô cùng quan trọng”- bà Lan nhấn mạnh.
Từ thành công giai đoạn vừa qua, bà Phạm Thu Lan đã nêu một số đề xuất về tăng năng suất lao động. Đó là, cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng. Theo bà, mức lương tối thiểu thỏa đáng không chỉ đảm bảo trang trải chi phí cơ bản cần thiết cho người lao động và gia đình như thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại, giáo dục, quan hệ xã hội, mà còn cần một khoản dự phòng cho sự việc bất khả kháng và tiết kiệm cho tương lai.
Về phía tổ chức công đoàn, bà Lan bày tỏ mong muốn Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia trong thời gian tới nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, tư vấn cho Chính phủ để tiền lương thực sự là động lực tăng năng suất.
Ngoài ra, theo bà Phạm Thu Lan, hiện tại, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động liên tục tăng trong những năm vừa qua, đến nay đạt hơn 38% lực lượng lao động. Tổ chức công đoàn mong muốn mục tiêu độ bao phủ bảo hiểm xã hội đến năm 2030 đạt 60% như kế hoạch đề ra, đáp ứng mong mỏi của người lao động.
Cùng với đó, bà Phạm Thu Lan cho biết, Tổ chức công đoàn mong muốn các biện pháp cụ thể được thực hiện để không chỉ bảo đảm tiền lương như nhau cho công việc như nhau, mà quan trọng hơn phải là bảo đảm tiền lương như nhau cho công việc có giá trị như nhau. Đồng thời, mong muốn của người lao động là Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội đi kèm với cơ sở hạ tầng về trường học, bệnh viện và các tiện tích cơ bản khác để người lao động thu nhập thấp đạt được ước mơ sở hữu căn nhà riêng của mình trong những năm tới.
Bên cạnh đó, chúng ta cần lựa chọn nhà đầu tư tiên tiến, chất lượng, có tính tuân thủ pháp luật cao để đóng góp nâng cao năng suất lao động quốc gia; cộng đồng doanh nghiệp cần chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong việc giám sát tuân thủ pháp luật lao động, thông qua việc luật hóa trách nhiệm các doanh nghiệp lớn giám sát các doanh nghiệp thầu phụ trong chuỗi cung ứng của mình.
Cuối cùng, theo TS. Phạm Thu Lan, Tổ chức công đoàn mong muốn Chính phủ chỉ đạo cộng đồng doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý về thiện chí trong thương lượng tập thể, tạo điều kiện để thành lập tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động trong thương lượng, đặc biệt ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực hợp tác xã. Bởi, hiện nay, tỷ lệ thành lập công đoàn trong hai khu vực này chưa tới 10%.