Tăng cường xử lý hàng dởm để bảo vệ quyền của người tiêu dùng
Ma trận hàng dởm
Trong thời gian gần đây, mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường nhiều kế hoạch, giải pháp để triệt xóa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận trong kinh doanh nhưng một lượng lớn hàng dởm kiểu này vẫn tồn tại và xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm nhãn hiệu tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương và hoạt động ngày càng tinh vi. Tại các tỉnh miền Nam, mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra và xử lý nhưng các mặt hàng mỹ phẩm, tân dược, quần áo, thực phẩm chức năng, giày dép, đồng hồ, mắt kính giả nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng vẫn tồn tại với số lượng lớn.
Lực lượng QLTT bắt giữ thuốc lá nhập lậu từ biên giới Tây Nam |
Đơn cử, tại tỉnh Long An, từ đầu nay đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý gần 300 vụ hàng lậu, trong đó có hơn 602.000 gói thuốc lá, gần 100kg pháo nổ nhập lậu; phát hiện và xử lý hàng trăm vụ buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thu giữ hàng nghìn đơn vị sản phẩm.
Tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, tình trạng buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng diễn ra khá phổ biến trong thời gian từ đầu năm 2021 đến nay. Chẳng hạn, ngày 13/3, cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh sản xuất hàng mỹ phẩm tại số nhà 1694/3/14, đường Nguyễn Ái Quốc, phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa, phát hiện nhiều loại mỹ phẩm giả nhãn hiệu của nhiều nhãn hàng nổi tiếng. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng kiểm tra phát hiện xe tải biển số 60C - 56817 đang giao nhận 2 bao tải mỹ phẩm giả. Riêng tại cơ sở, khoảng 3.000 sản phẩm mỹ phẩm giả, nhiều can, thùng chứa số lượng lớn nguyên liệu có xuất xứ từ Trung Quốc để làm mỹ phẩm như son môi, kem làm sáng da, kem che khuyết điểm giả cũng đã được phát hiện.
Cũng tại Đồng Nai, mới đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đồng Nai đã xử phạt hành chính Công ty TNHH MTV Nhất Phan (KCN Biên Hòa 2, TP. Biên Hòa) hơn 106 triệu đồng vì đã tẩy xóa, sửa hạn sử dụng 2.066 sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Trong năm 2020, Cục QLTT Đồng Nai đã xử lý gần 1.400 vụ vi phạm, số tiền thu phạt hơn 6,3 tỷ đồng. Chỉ riêng trong tháng 1/2021, lực lượng QLTT tỉnh Đồng Nai đã phát hiện 107 trường hợp, đã xử lý 100 vụ vi phạm, trong đó thu giữ hơn 5.000 đơn vị hàng hóa vi phạm.
Những con số nêu trên chứng minh thị trường đang hứng chịu một lượng lớn hàng dởm, tuy nhiên số hàng hoá thu giữ được vẫn còn quá ít so với thực tế đang diễn ra. Thực tế này cho thấy, người tiêu dùng hiện nay đang bị vô số hàng dởm bủa vây và khó tránh khỏi tình trạng bị người bán khuyến dụ mua hoặc nhầm lẫn khi mua sắm và quyền lợi của người mua hàng chưa được bảo vệ thoả đáng.
Cần xử lý nghiêm hàng dởm để bảo vệ người tiêu dùng
Theo các cơ quan chức năng, hàng dởm hiện nay bày bán rộng khắp ở nhiều kênh, nhiều địa chỉ, từ chợ truyền thống, cửa hàng, trung tâm thương mại nhưng nhiều nhất là trên không gian thương mại điện tử, mạng xã hội.
Bà Trần Thị Lài, ngụ đường Gò Dầu, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong dịp Tết vừa rồi, bà đã mua một chiếc điện thoại iphone 11 của một đơn vị bán hàng online. Tiền đã trả trước nhưng khi nhận hàng, mở ra là một cục gạch, khi liên lạc với người bán thì mạng không còn kết nối. Trong thực tế, bà Lài không là nạn nhân hiểm hoi của trò mua gian bán lận trên không gian thương mại điện tử, mạng xã hội và mức độ thiệt hại còn lớn hơn khi hàng hoá là thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ.
Chỉ riêng mặt hàng mỹ phẩm, những trường hợp giả mỹ phẩm cao cấp với chương trình khuyến mãi lớn, bán với mức giá chỉ bằng 30 - 50% giá chính hãng không khó tìm trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Các cách thức làm giả vỏ hộp tinh vi đến gần như thật, chỉ khi mua về mở nắp ra mới biết là hàng giả.
Lực lượng QLTT thu giữ tân dược, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc |
Theo báo cáo từ Công ty L’Oréal Việt Nam, ước tính hiện nay, công ty có hơn 60.000 cửa hàng bán mỹ phẩm, nước hoa liên quan đến mỹ phẩm không thể xác minh nguồn gốc, thành phần trên mạng. Trong đó có 31.000 trường hợp liên quan đến các nhãn hàng cao cấp của Lancôme, YSL, shu uemura và Kiehl’s, trộn lẫn hàng thật và hàng giả để bán. Trên kênh thương mại điện tử, trong năm 2020, mức độ tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc và đảm bảo chất lượng đã tăng từ 134 - 170% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện L'Oréal Việt Nam cho biết, gần đây trên thị trường tràn ngập loại gel tạo kiểu tóc giả mạo L’Oréal Professionnel, sản phẩm này phổ biến đến mức có thể tìm thấy trong các chương trình biểu diễn thời trang, trong túi đồ của các chuyên gia làm tóc, trang điểm và ước tính có hơn 2 triệu sản phẩm đã đưa vào thị trường Việt Nam. Chưa hết, các cửa hàng trên mạng còn đưa luôn cả chiêu trò siêu đẳng là chương trình phân biệt hàng thật - giả trong khi tất cả đều là giả, vì L’Oreal Professionnel chưa bao giờ sản xuất ra dòng hàng này.
"Để không mất tiền oan và ảnh hưởng đến sức khoẻ, người tiêu dùng khi có nhu cầu về sản phẩm mỹ phẩm cần đến những địa chỉ rõ ràng, uy tín để mua hàng chính hãng, đây là cách bảo vệ quyền lợi của mình hiệu quả nhất ", đại diện L'Oréal Việt Nam khuyến cáo.
Ông Nguyễn Viết Hồng - Phó Chủ tich Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, với công nghệ và trình độ khoa học tiên tiến như hiện nay, nhiều loại hàng giả, hàng nhái được sản xuất giống như hàng thật khiến người tiêu dùng khó nhận biết. Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, theo ông Hồng, ngoài tăng cường xử lý vi phạm, người tiêu dùng không nên dùng hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc, mua hàng ở những địa chỉ buôn bán rõ ràng, có cam kết trách nhiệm và hợp tác với cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời khi bị xâm phạm quyền lợi.