Đây là một trong những hành động của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 14/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới.
Khẳng định việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu đường nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp, Bộ trưởng yêu cầu:
Cục Phòng vệ thương mại, chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam theo dõi, kịp thời đề xuất việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế đối với mặt hàng đường nhập khẩu. Chủ trì, thống kê, hình thành cơ sở dữ liệu đồng bộ, chính xác về tình hình sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu trên cơ sở thông tin do các cơ quan chức năng cung cấp để sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tư vấn, chuẩn bị hồ sơ phòng vệ thương mại đối với mặt hàng đường.
Cục Xuất nhập khẩu, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý hoạt động nhập khẩu mặt hàng đường trong tình hình mới. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Mía đường Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến mặt hàng đường.
Tổng cục Quản lý thị trường, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo văn bản trình Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ xem xét, sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ, về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP, trong đó nghiên cứu, đề xuất nâng mức phạt tiền có tính răn đe cao và hình thức phạt bổ sung đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ mặt hàng đường nhập lậu. Phối hợp với Ban Chỉ đạo 389, tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi tiếp tay buôn lậu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng đường và chất tạo ngọt.
Ảnh minh họa |
Cục Xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng đường và các sản phẩm từ đường tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng đường, đặc biệt tại các thị trường đã có hiệp định thương mại tự do (ASEAN, EU…).
Vụ Chính sách thương mại đa biên, tiếp tục nghiên cứu, làm rõ với các nước ASEAN về khả năng vận dụng Nghị định thư về đối xử đặc biệt đối với mặt hàng gạo và đường trong ASEAN.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất và xuất khẩu đường của các nước xuất khẩu lớn (Thái Lan, Australia, Brazil…), phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại các nước chủ động nắm bắt tình hình về các nguồn cung đường trên thị trường thế giới, các biện pháp quản lý nhập khẩu mặt hàng đường của các nước để thông tin cho các đơn vị có liên quan.
Vụ Thị trường trong nước, tích cực hỗ trợ mặt hàng đường trong nước tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi… ưu tiên kinh doanh các mặt hàng sản xuất trong nước có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh (trong đó có mặt hàng đường).
Vụ Khoa học và Công nghệ, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, nghiên cứu, xây dựng các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với mặt hàng đường. Đầu mối tổ chức xây dựng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để nghiên cứu đổi mới công nghệ sản xuất đường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong tiêu thụ và nhập khẩu mặt hàng đường.
Cục Công nghiệp, chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống (bánh kẹo, nước giải khát…) ưu tiên sử dụng mặt hàng đường sản xuất trong nước làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, tiếp tục nghiên cứu khả năng điều chỉnh giá mua điện đồng phát, theo hướng hỗ trợ các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu sinh khối.
Các Sở Công Thương, tăng cường kiểm tra, phát hiện các hoạt động liên quan đến kinh doanh trái phép mặt hàng đường nhập khẩu, phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương tuyên truyền cho doanh nghiệp, người dân, tham gia xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến nhập khẩu mặt hàng đường tại địa bàn.
Các cơ quan báo chí thuộc Bộ, tăng cường đưa tin, bài về việc xử lý nghiêm các sai phạm nhập khẩu đường, khuyến khích các doanh nghiệp khai thác và sử dụng đường trong nước.
Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, chủ động triển khai các nhiệm vụ nêu trên, định kỳ hàng năm báo cáo về tình hình triển khai, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục, gửi Cục Xuất nhập khẩu tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.