Minh bạch hóa thông tin
Đó là nội dung chính được các đại biểu thảo luận tại hội thảo Phổ biến các quy định mới về quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan được Tổng cục Hải quan phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 12/11/2020, tại Hà Nội.
Hội thảo nhằm mục đích giới thiệu và thảo luận với cán bộ hải quan thuộc các Cục Hải quan miền Bắc và miền Trung (từ Thừa Thiên - Huế trở ra) cùng đại diện các doanh nghiệp về nội dung Thông tư 81, Quyết định 2218, và dự thảo Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật. Nếu thực hiện thành công, chương trình này sẽ hướng dẫn và giúp doanh nghiệp tự đánh giá và nâng cao mức độ tuân thủ các quy định pháp luật hải quan, từ đó giúp giảm thời gian và chi phí thương mại.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - cho biết: Thực hiện các Nghị quyết số 19/NQ-CP (năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018), các Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2019, 2020) về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của doanh nghiệp và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong các năm qua, Tổng cục Hải quan đã từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ chế đánh giá tuân thủ đối với 4 nhóm đối tượng thuộc người khai hải quan và nhóm doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng, công khai tiêu chí đánh giá phân loại mức độ tuân thủ và các nội dung quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.
Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phát biểu tại hội thảo |
Đặc biệt, tháng 11/2019, Tổng cục Hải quan đã tham mưu trình Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 81/2019/TT-BTC quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan với nhiều điểm mới quan trọng có tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể, điểm mới đầu tiên và quan trọng nhất, là bổ sung thêm đối tượng đánh giá tuân thủ pháp luật, cũng như đánh giá mức độ tuân thủ đối với người khai hải quan.
Điểm mới thứ hai, cơ quan hải quan công khai tiêu chí phân loại mức độ tuân thủ, mức độ rủi ro người khai hải quan và kết quả phân loại mức độ tuân thủ của người khai hải quan (trước đây thuộc chế độ mật) để doanh nghiệp nắm và thực hiện, tránh được sai sót, vi phạm trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Điểm mới thứ ba, phân loại mức độ tuân thủ được phân loại thành 5 mức; mỗi người khai hải quan được đánh giá phân loại theo một mức độ tuân thủ duy nhất và công khai để doanh nghiệp nắm bắt thực hiện. Việc phân loại như trên nhằm phân loại đánh giá tuân thủ được chính xác hơn; đồng thời qua đó hình thành cơ chế quản lý chặt chẽ và có hiệu quả.
Điểm mới thứ tư, phân loại mức độ rủi ro của người khai hải quan được phân thành 9 hạng. Bổ sung 02 mức độ rủi ro trong phân loại mức độ rủi ro người khai hải quan nhằm phân loại được chính xác hơn và linh hoạt trong cách thức áp dụng các chính sách và biện pháp quản lý đối với từng loại; hình thành cơ chế tạo thuận lợi và quản lý chặt chẽ, có hiệu quả đối với từng mức độ rủi ro.
Điểm mới thứ năm, phân loại mức độ rủi ro trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh gồm 3 mức: cao, trung bình, thấp để áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp với từng mức độ rủi ro.
Thông qua hội thảo, nhằm đưa các nội dung nêu trên đến với cộng đồng doanh nghiệp để nắm rõ, thực hiện có hiệu quả và đây là ngày hội thảo cuối cùng trong chuỗi các “hội thảo phổ biến các quy định mới về quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan”.
Hội thảo có sự tham dự của khoảng 150 đại diện doanh nghiệp và các bên liên quan tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc |
Hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật
Quản lý rủi ro theo Điều 7.4 Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới được Chính phủ Việt Nam phân loại vào cam kết nhóm C, tức là cần hỗ trợ kỹ thuật để bảo đảm thực hiện hệ thống này một cách kịp thời. Một trong những mục tiêu chính của Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ là giúp Tổng cục Hải quan cải tiến hệ thống quản lý rủi ro hiện nay và bảo đảm các bên liên quan sẵn sàng thực hiện và tuân thủ các quy định mới về quản lý rủi ro. Việc này sẽ giúp cắt giảm thủ tục xuất nhập khẩu, giảm bớt thời gian thông quan, và tạo thuận lợi thương mại quốc tế cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, đồng thời bảo đảm năng lực quản lý và thực thi của cơ quan Hải quan.
Chia sẻ về quá trình hợp tác thông qua dự án, ông Bradley Bessire - Phó Giám đốc USAID Việt Nam - nhấn mạnh: Trong 20 năm qua, USAID đã hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong việc thể chế hóa lĩnh vực thương mại theo hướng cởi mở và dễ dự đoán hơn. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ thương mại năm 1995, hỗ trợ của USAID tập trung chủ yếu vào thực hiện cải cách theo định hướng thị trường ngày càng tăng của Việt Nam.
Vị đại diện USAID thông tin thêm, với trợ giúp kỹ thuật của USAID về tạo thuận lợi thương mại trị giá hơn 95 triệu USD trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã cải cách đáng kể khung pháp lý điều chỉnh nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại. Những cải cách này đặc biệt hiệu quả trong việc nâng cao năng lực quản trị kinh tế của các cán bộ chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu của khu vực tư nhân, và cải thiện môi trường kinh doanh kiến tạo ở Việt Nam để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể cùng phát triển. Trong quá trình hợp tác về tạo thuận lợi thương mại, chúng ta cũng nhận thấy những bất cập diễn ra ở cả cấp trung ương và địa phương.
Do đó, để hỗ trợ Việt Nam, USAID đã tài trợ cho Dự án Tạo thuận lợi thương mại trong 5 năm với ngân sách 21,7 triệu USD để cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành nhằm giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới thông qua đơn giản hóa, hiện đại hóa, và hài hòa hóa các quy trình hải quan.
Ông Bradley Bessire - Phó Giám đốc USAID Việt Nam |
Thông tư 81 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định về quản lý rủi ro tại Việt Nam, và Tổng cục Hải quan đã đạt được dấu mốc quan trọng này! Việc áp dụng quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hải quan sẽ không chỉ bảo đảm an ninh thương mại và tạo thuận lợi thương mại, từ đó tạo môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn, dễ dự đoán hơn, mà còn cho phép Tổng cục Hải quan tập trung nguồn lực của mình vào những lô hàng có rủi ro cao, ông Bradley Bessire khẳng định.
Bên cạnh đó, USAID cũng hỗ trợ Tổng cục Hải quan xây dựng một Chương trình mới về hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật. Việc khuyến khích và khích lệ doanh nghiệp tuân thủ tự nguyện là rất quan trọng để thúc đẩy an ninh và vị thế của thương mại Việt Nam trên toàn cầu. Chương trình này sẽ bổ sung và hỗ trợ cho công tác áp dụng quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hải quan. Khi được thực hiện, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật sẽ hướng dẫn và trao cho doanh nghiệp những công cụ để họ tự đánh giá và nâng cao năng lực tuân thủ các quy định hải quan, từ đó góp phần giảm bớt thời gian và chi phí thương mại.
Được biết, thông qua Dự án Tạo thuận lợi thương mại, USAID sẽ tiếp tục hỗ trợ các bên liên quan ở trung ương và địa phương áp dụng phương thức quản lý rủi ro trong công tác kiểm tra chuyên ngành của các Bộ ngành nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã tham luận về các văn bản pháp luật bao gồm các thông tin quy định về thu thập, xử lý, quản lý và sử dụng thông tin quản lý rủi ro; đánh giá năng lực tuân thủ quy định và pháp luật của người khai hải quan; phân loại mức độ rủi ro của người khai hải quan và của hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, và quá cảnh.