Tận thu dầu khí: Hiệu quả của giàn đầu giếng cỡ nhỏ
Tự tin làm chủ công nghệ lõi
Quá trình khai thác dầu khí tại công trình Mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng, thuộc lô dầu khí 09-1 tại bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam, là những mỏ dầu khí lớn nhất tại Việt Nam, do Liên Doanh Việt – Nga Vietsovpetro (Vietsovpetro) vận hành và khai thác. Qua hơn 36 năm khai thác, sản lượng dầu khí tại các mỏ này ngày càng suy giảm.
Kết quả tìm kiếm, thăm dò của Vietovpetro tại lô 09-1 và các khu vực lân cận cho thấy còn rất nhiều cấu tạo tiềm năng với trữ lượng dầu khí nhỏ, khó phát triển và được đánh giá là cận biên về kinh tế.
Để có thể đưa các khu vực này vào khai thác một cách hiệu quả cần áp dụng các giải pháp nhằm giảm chi phí đầu tư xây dựng và vận hành công trình.
Trước thực tế trên, nhóm các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Khoa học và Thiết kế Dầu khí biển của Vietsovpetro gồm TS. Bùi Trọng Hân, TS. Lê Việt Dũng và ThS. Bùi Hồng Dương đã đưa ra giải pháp: “Tự nghiên cứu thiết kế giàn đầu giếng cỡ nhỏ (mini BK) phục vụ khai thác dầu khí ở Liên Doanh Việt – Nga Vietsovpetro”. Qua đó giúp tận thu được tài nguyên của đất nước, gia tăng đóng góp vào ngân sách Nhà nước cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Giàn RC-10 tại Mỏ Rồng, xây dựng năm 2022 – là giàn BKM loại 3 chân, đứng độc lập |
TS. Bùi Trọng Hân - Chủ nhiệm đề tài cho biết: Chúng tôi đã nghiên cứu và thiết kế thành công được 3 kiểu mẫu giàn mini BK (BKM), phù hợp với từng điều kiện cụ thể, nơi mà Vietsovpetro dự kiến xây dựng giàn đầu giếng để khai thác dầu khí, gồm: Giàn BKM loại chân đế 4 chân, có số lượng giếng khoan từ 7-9 giếng, đứng độc lập, nối với giàn host platform qua đường ống và cáp điện ngầm; Giàn BKM loại chân đế 3 chân, có số lượng giếng khoan đến 6 giếng, đứng độc lập, nối với giàn host platform qua đường ống và cáp điện ngầm; Giàn BKM loại chân đế 3 chân, có số lượng giếng khoan đến 6 giếng, đứng bên cạnh giàn host platform hiện hữu, nối với giàn host platform qua cầu dẫn.
"Các giàn BKM này có khối lượng xây dựng giảm từ 28% đến 53% so với khối lượng xây dựng giàn BK truyền thống trước đây."- TS Hân thông tin và cho biết thêm "Bộ tài liệu thiết kế các giàn BKM đều đã được các cơ quan đăng kiểm quốc tế và Việt Nam chấp thuận."
TS Bùi Trọng Hân chia sẻ: Nếu như trước đây, tất cả các giàn đầu giếng (WHP) phục vụ khai thác dầu khí ngoài khơi của các công ty dầu khí tại Việt Nam nói chung và của Vietsovpetro nói riêng đều do công ty thiết kế nước ngoài chủ trì thực hiện toàn bộ hoặc có sự tham gia một phần bởi các công ty thiết kế trong nước. Riêng đối với giàn BKM do nhóm tác giả là đội ngũ thiết kế của Viện Nghiên cứu khoa học và Thiết kế dầu khí -Vietsovpetro, tự thực hiện toàn bộ phần thiết kế, từ thiết kế cơ sở đến thiết kế bản vẽ thi công.
Đối với Vietsovpetro, đây cũng là lần đầu áp dụng thiết kế giàn BKM để triển khai thi công xây dựng các giàn như BK-20, BK-21, BK-19, BK-18A, RC-10, RC-8 tại các mỏ Bạch Hổ và Rồng thuộc lô 09-1 trong những năm qua.
“Ngoài ra, việc đội ngũ cán bộ công nhân viên của Viện cũng có thể tự thiết kế hoàn toàn một giàn BK đã tạo ra được một bước ngoặc quan trọng trong lĩnh vực tư vấn thiết kế các công trình dầu khí ngoài khơi tại Việt Nam. Để từ đây, không còn phải phụ thuộc nhiều vào các công ty tư vấn thiết kế nước ngoài nữa.”- TS Bùi Trọng Hân cho hay.
Theo nhóm tác giả, khả năng ứng dụng Giải pháp này đã được Vietsovpetro áp dụng triển khai xây dựng thành công và đưa vào vận hành nhiều công trình tại mỏ Bạch Hổ và Rồng, như các giàn BK-20 (xây dựng năm 2019), BK-21 (xây dựng năm 2020), BK-19 (xây dựng năm 2021), BK-18A (xây dựng năm 2021), giàn RC10 (xây dựng năm 2022), giàn RC-8 (dự kiến đưa vào khai thác vào giữa năm 2023).
Ngoài ra, giải pháp có thể áp dụng đối với nhiều khu vực, mỏ dầu khí khác của Vietsovpetro cũng như của các công ty khai thác dầu khí khác tại thềm lục địa Việt Nam
Giải pháp giúp thu hồi khoảng 3,479 triệu tấn dầu thô, tiết kiệm 867 triệu USD
Ước tính, tổng hiệu quả kinh tế của giải pháp mang lại ước đạt khoảng 867 triệu USD bao gồm chi phí thiết kế, vận hành công trình khai thác dầu khí và nguồn thu vào ngân sách của Nhà nước Việt Nam từ việc bán dầu khai thác được từ các giàn BKM mà Vietsovpetro đã và đang xây dựng.
Ông Nguyễn Xuân Tiến- Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Việt Nam (Vifotec) cho biết, đề tài “Tự nghiên cứu thiết kế giàn đầu giếng cỡ nhỏ (mini BK) phục vụ khai thác dầu khí ở Liên Doanh Việt – Nga Vietsovpetro” đã được Ban tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam trao giải Ba."
Ông Nguyễn Xuân Tiến cho rằng, sự thành công của giải pháp đã khẳng định được trình độ năng lực của đội ngũ kỹ sư thiết kết công trình dầu khí biển của Việt Nam nói chung và của Vietsovpetro nói riêng là có thể đảm đương được hoàn toàn công việc thiết kế giàn đầu giếng phục vụ khai thác dầu khí ngoài khơi mà không còn phải phụ thuộc vào các nhà thầu thiết kế nước ngoài.
Việc tự chủ trong thiết kế cũng đã giúp Vietsovperto tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện thi công nội bộ sẵn có của mình để đưa vào trong thiết kế ngay từ đầu.
Trong quá trình vận hành công trình, việc có thể tự chủ được hoàn toàn công tác thiết từ đầu đã giúp cho Vietsovpetro chủ động hoàn toàn trong việc thiết kế cải hoán, nâng cấp, sửa chữa công trình hàng năm mà không cần phải thuê công ty bên ngoài thực hiện.
Ngoài ra, sự thành công của giải pháp cũng đã tạo ra một nền tảng tốt, vững vàng để đội ngũ thiết kế của Việt Nam nói chung và của Vietsovpetro nói riêng có thể tiếp tục nghiên cứu và tiến đến tự thiết kế các giàn khai thác dầu khí ngoài khơi có quy mô và mức độ phức tạp cao hơn, như giàn xử lý công nghệ trung tâm (CPP), các công trình thiết bị ngầm ở những khu vực nước sâu, xa bờ…
Bên cạnh đó, nhờ áp dụng thành công giải pháp, trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023, Vietsovpetro đã và đang xây dựng được 6 giàn BKM tại mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng, dự kiến sản lượng dầu thu hồi từ các khu vực này khoảng 3,479 triệu tấn dầu thô, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho Quốc gia.
Đặc biệt, giải pháp này có thể tiếp tục được áp dụng và mang lại hiệu quả nhiều hơn nữa trong tương lai. Bên cạnh đó, với việc xây dựng và đưa vào khai thác dầu khí từ các giàn BKM đã góp phần tạo ra một chuỗi các dịch vụ liên quan như mua sắm vật tư thiết bị, thi công chế tạo lắp đặt công trình, khoan, các dịch vụ vận hành công trình (như hóa phẩm, thu gom vận chuyển dầu khí…), mua bán và chế biến dầu thô. Qua đó, góp phần giải quyết công ăn việc làm và kích thích sự tăng trưởng của kinh tế-xã hội Việt Nam. Ngoài ra, sự thành công của giải pháp cũng đã nêu cao tinh thần chịu khó nghiên cứu, học hỏi, tự lực tự cường và dám nghĩ, dám làm của thế hệ kỹ sư trẻ của Việt Nam.