Tiếp tục tìm hiểu về "diễn giả", "chuyên gia tài chính" Tần Nguyễn - tức ông Nguyễn Văn Tần, phóng viên Báo Công Thương ghi nhận ông này có rất nhiều phát ngôn sai lệch về lịch sử Việt Nam cũng như có nhiều thông tin gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ đối ngoại.
Tần Nguyễn đã có nhiều phát ngôn sai lệch về lịch sử Việt Nam trong một video trên trang mạng xã hội TikTok. (Ảnh chụp màn hình) |
Cụ thể, trong một video chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội TikTok, khi có người xem hỏi về quốc phòng Việt Nam, Tần Nguyễn nói: “Năm 1941, tại Cao Bằng, vào ngày 22/12, tại khu vườn Trần Hưng Đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời bấy giờ cùng với 27 người, nếu tôi nhớ không nhầm, đã lập ra một lực lượng, lực lượng đấy gọi là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”.
Dù sau đó Tần Nguyễn đã đính chính lại mốc thời gian thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là 1944 thay vì 1941, nhưng trong câu nói trên vẫn còn hai lỗi sai cơ bản. Lỗi thứ nhất là Đội được thành lập với 34 chiến sĩ, thay vì con số 27 chiến sĩ như Tần Nguyễn nói. Thứ 2 là địa điểm thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là ở khu rừng Trần Hưng Đạo, trong khi Tần Nguyễn nói là ở "khu vườn Trần Hưng Đạo”.
Tiếp tục, khi nói về kết quả chiến thắng Điện Biên Phủ, Tần Nguyễn nói rằng Quân đội Việt Nam đã “bắt sống 10.000 lính lê dương, chủ yếu là người Đức”. Trên thực tế, lực lượng lê dương thời bấy giờ bao gồm quân người nước ngoài tham chiến cho Pháp, trong đó có một lượng lớn là người Đức. Tuy vậy, lực lượng lê dương chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số quân Pháp tại Điện Biên Phủ lúc bấy giờ, còn lại đều là binh lính mang quốc tịch Pháp. Do đó, phát ngôn trên của Tần Nguyễn là không đúng sự thật.
Nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, Tần Nguyễn khẳng định: “Mỹ đã phải đầu hàng vô điều kiện trên bầu trời Hà Nội” và “năm 72, Mỹ đã rút quân vô điều kiện tại Việt Nam”.
Ở đây, Tần Nguyễn đã phát ngôn sai về kết quả của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Sự thật là, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không đã buộc Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Richard Nixon phải nối lại đàm phán hiệp định Paris, chứ không hề có bất kỳ lời tuyên bố “đầu hàng vô điều kiện” nào. Hiệp định Paris được ký năm 1973 cũng quy định Mỹ phải rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Việt Nam, và trên thực tế, Mỹ đã rút binh sĩ cuối cùng vào ngày 29/3/1973, thay vì năm 1972 như lời khẳng định của Tần Nguyễn.
Cuối cùng, khi bàn về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, Tần Nguyễn nói: “Đến năm 1979, Quân đội Việt Nam làm công việc quốc tế cao cả đó là đưa quân sang Campuchia. Chỉ có 1 tuần, quân đội Việt Nam đã lật đổ chính quyền Pol Pot và lập nên chính quyền mới tại Campuchia, và giúp ông Hun Sen lên làm Thủ tướng đến ngày hôm nay.”
Một lần nữa, Tần Nguyễn lại đưa thông tin sai lệch về lịch sử Việt Nam. Sự thật là, vào ngày 23/12/1978, đáp ứng lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia, Quân đội Việt Nam đã tiến quân sang Campuchia, đẩy lùi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Đến ngày 17/1/1979, toàn bộ Campuchia đã được giải phóng. Tức là, Quân đội Việt Nam đã giải phóng Campuchia trong vòng 2 tuần, thay vì 1 tuần, và bắt đầu từ năm 1978, thay vì 1979 như Tần Nguyễn đã nói.
Tần Nguyễn cũng đã lan truyền thông tin sai sự thật về ông Hun Sen. Sau khi Campuchia được giải phóng, ông Hun Sen được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia, và mãi đến năm 1985, ông mới giữ cương vị Thủ tướng Campuchia. Việc ông Hun Sen trở thành Thủ tướng Campuchia là do Quốc hội Campuchia bầu ông làm Thủ tướng, vì vậy, nói Quân đội Việt Nam “giúp” ông Hun Sen lên làm Thủ tướng là hoàn toàn sai sự thật.
Để nhớ được toàn bộ những mốc lịch sử trên là một điều không hề dễ dàng. Chính bản thân Tần Nguyễn cũng từng thừa nhận rằng “tôi học không giỏi" và "chỉ mới tốt nghiệp phổ thông trung học". Tuy nhiên, không phải vậy là Tần Nguyễn có thể lên mạng tuỳ tiện phát ngôn xuyên tạc về lịch sử Việt Nam, đặc biệt trong cương vị là một người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Việc đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội không những là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 1, điều 8 Luật An ninh mạng 2018, mà còn dẫn tới nhiều hệ luỵ, tạo đốm mồi cho thế lực thù địch đang ra sức chống phá, xuyên tạc, phủ nhận công lao của Đảng, của Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng thời có thể gây hiểu sai, ảnh hưởng xấu tới quan hệ đối ngoại.
Hành vi này cần các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.