Hàng chục cây gỗ thuộc rừng đặc dụng Di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu (Thanh Hóa) bị chặt hạ trái phép, nhiều khối gỗ đã bị vận chuyển khỏi hiện trường.
Sáng ngày 14/10/2024, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đàm Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa xác nhận, trên khu vực rừng đặc dụng thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã xảy ra sự việc chặt hạ, khai thác gỗ trái phép.
|
Khu vực khai thác gỗ trái phép nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu |
“Hiện chúng tôi đang thành lập đoàn để kiểm tra để có số liệu chính thức. Nguồn gốc gỗ thì thuộc người dân trồng nhưng quy hoạch lại là rừng đặc dụng vì liên quan di tích lịch sử; các cây gỗ này bị đổ, gãy do cơn bão số 3, trong khi chờ hoàn thiện các thủ tục để tận thu, tận dụng thì một số đối tượng đã chặt cây nên chúng tôi đang phối hợp với công an, viện kiểm sát, chính quyền để điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Hùng thông tin.
|
Theo báo cáo ngày 12/10/2024 của Hạt Kiểm lâm Hà Trung, sau khi nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân, ngày 11/10/2024, Hạt Kiểm lâm Hà Trung phối hợp với UBND xã Triệu Lộc, Ban quản lý khu di tích đền Bà Triệu tiến hành kiểm tra hiện trường khu vực khai thác cây đổ, gãy, nghiêng do bão Yagi gây ra trên địa bàn xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc |
|
Trước đó, vào ngày 18/9/2024 của UBND xã Triệu Lộc có phương án số 06/PAKT-UBND về khai thác tận thu gỗ loài thực vật thông thường đặc dụng khu vực đền Bà Triệu có nguy cơ gãy, đổ bảo đảm an toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam, địa bàn xã Triệu Lộc. Sau đó, ngành đường sắt có đề xuất xử lý một số cây có nguy cơ cao gãy đổ ảnh hưởng tới đường tàu |
|
Tuy nhiên khi chưa hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định, nhiều đối tượng đã tự ý mang máy móc vào chặt hạ cây, di chuyển gỗ ra khỏi khu vực |
|
Nhiều cây gỗ chưa được vận chuyển đi nằm ngổn ngang, các vết cưa còn mới nguyên |
|
Theo kết quả kiểm tra hiện trường ngày 11/10/2024 của Hạt Kiểm lâm Hà Trung; tại lô 311 khoảnh 1 tiểu khu 468B, người dân đã chặt hạ 60 cây keo có đường kính gốc từ 10 – 40 cm. Thời gian chặt hạ vào đầu tháng 10/2024 |
|
Số lâm sản sau khai thác đang còn tại hiện trường gồm 16 khúc với chiều dài từ 3,0 - 10,5 mét, đường kính từ 17 – 36 cm với khối lượng 5,987 m², số còn lại đã được các hộ gia đình vận chuyển ra khỏi khu vực |
|
Chiều rộng khu vực khai thác từ 10- 25 mét tính từ đường tàu lên, chạy dọc theo đường sắt và đường dây thông tin đường sắt. Các cây khai thác chủ yếu là cây bị đổ, gãy, nghiêng, ngã có nguy cơ gây mất an toàn cho vận tải đường sắt |
|
Tại thời điểm kiểm tra, Tổ công tác chưa xác định được đối tượng khai thác. Theo Báo cáo của UBND xã Triệu Lộc khu vực khai thác thuộc thuộc diện tích rừng trồng do 07 hộ gia đình thôn Sơn Thượng (06 hộ), thôn Phủ Điền (01 hộ) xã Triệu Lộc tự bỏ vốn đầu tư |
|
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Hà Trung kiểm đếm các cây gỗ bị chặt hạ trong sáng ngày 14/10/2024 |
|
Theo Hạt Kiểm lâm Hà Trung, việc người dân tự ý khai thác cây keo trên rừng trồng do hộ gia đình tự bỏ vốn đầu tư, nhưng đã được quy hoạch vào rừng đặc dụng mặc dù chưa được Nhà nước đền bù là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp |
|
Nhận định ban đầu, số cây gỗ này do người dân địa phương trồng từ những năm 1996 nên có tuổi đời và đường kính rất lớn |
|
Việc tự ý chặt hạ số cây gỗ này khi chưa đầy đủ thủ tục sẽ gây khó cho lực lượng chức năng, bởi lẽ nguồn gốc cây gỗ là do người dân trồng từ lâu nhưng lại nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng |
|
Hiện sự việc này đang được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh, làm rõ. |
Bài và ảnh: Quốc Huy