Tắm nước lá mùi già vào chiều 30 Tết: Nét văn hóa của người dân Thủ đô
Là một người con gái gốc Hà Nội, bà Hoàng Thị Lý (phường Phú Diễn – quận Bắc Từ Liêm – TP. Hà Nội) bao nhiêu năm nay vẫn giữ thói quen mua lá mùi già vào những ngày cận Tết Nguyên đán, rồi đun nước cho các thành viên trong gia đình cùng tắm, gội vào chiều 30 Tết. Bà nói, chẳng biết phong tục này có từ bao giờ, chỉ biết ngày bé mẹ bà vẫn thường đun lá mùi già cho cả nhà tắm vào chiều 30 Tết, rồi cái mùi hương ấy cứ theo bà suốt mấy chục năm qua. Đi lấy chồng, bà vẫn không bỏ được thói quen đó, dù đôi khi bận rộn với công việc, cuộc sống mưu sinh, nhưng vẫn dành thời gian đi chợ, mua lá mùi già về đun nước tắm và lau rửa bàn thờ, bàn ghế, cánh cửa và một số vật dụng trong gia đình cho sạch sẽ, thơm tho để đón năm mới nhiều may mắn.
Anh Tân bên chiếc xe chở những bó mùi già vào sáng 29 Tết |
Giống như bà Hoàng Thị Lý, chị Lê Thị Hải Yến sống tại khu đô thị Goldmark City (Phú Diễn – Bắc Từ Liêm – TP. Hà Nội) cũng giữ thói quen tắm lá mùi già vào chiều 30 Tết từ khi còn bé đến tận bây giờ. Chị Yến cho biết, mùi hương của lá mùi già rất dễ chịu. Vì thế, chiều 30 Tết, sau khi xong xuôi hết công việc dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, năm nào chị cũng đun một nồi nước lá mùi thật to, rồi vợ chồng, con cái cùng tắm. 2 đứa trẻ nhà chị rất háo hức với mùi nước lá thơm thơm, ấm ấm, nên năm nào chưa đến Tết lại nhắc mẹ mua lá mùi già về đun nước tắm.
Theo quan niệm xưa, việc nước tắm lá mùi già vào ngày cuối năm âm lịch là cách để người ta gột rửa những điều không may mắn của năm cũ, sẵn sàng bắt đầu một năm mới với những điều tươi mới, may mắn hơn. Bên cạnh đó, hương thơm của lá mùi được đun lên, bám vào những vật dụng trong nhà, vương vấn trên cơ thể sau khi tắm còn giúp tinh thần mọi thành viên trong gia đình luôn phấn chấn vào những ngày đầu năm mới.
Tắm lá nước lá mùi già vào chiều 30 Tết là nét văn hóa đẹp của người dân Thủ đô |
Ngoài ý nghĩa theo quan niệm truyền thống, nhiều người còn cho rằng, tinh dầu từ cây mùi có vị cay, tính ẩm, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng và phục hồi sức khỏe cho những người mới ốm dậy. Tắm nước lá mùi cũng rất tốt cho những người bị suy nhược thần kinh, đau nhức đầu, hỗ trợ giảm đau khớp, phòng tránh cảm lạnh… rất có lợi cho sức khỏe và tinh thần.
Anh Tân - một người nông dân trồng mùi già quê Hưng Yên năm nào cũng chở lá mùi ra Hà Nội bán. Anh nói, lá mùi già của gia đình anh trồng bán gần khắp các chợ tại Thủ đô vào những ngày cận Tết Nguyên đán. “Ngày 29 Tết năm nay, 5 xe máy của gia đình đã chở lá mùi già từ Hưng Yên ra Hà Nội bán, mỗi người ngồi tại một chợ khác nhau. Con trai tôi năm nay học lớp 3 cũng theo bố ra Hà Nội bán lá mùi” – anh Tân chia sẻ.
Mỗi bó mùi già anh Tân chỉ bán với giá 10 ngàn đồng |
Mỗi bó lá mùi anh Tân bán chỉ có giá 10 ngàn đồng, nhưng ít ai biết rằng, để có được một lứa mùi già bán vào dịp Tết như thế này người nông dân phải mất từ 6-7 tháng trồng và chăm sóc.
Theo anh Tân, khác với nhiều cây trồng khác như cam, ổi, cây mùi dễ sống, nhưng thân rất nhỏ, mềm và dễ gãy đổ nếu gặp thời tiết mưa, gió, nên trong quá trình chăm sóc, người nông dân cũng cần che chắn rất cẩn thận. Thế nhưng, giá bán lại không cao, thời gian cho thu hoạch lại quá dài nên lợi nhuận thấp hơn rất nhiều loại cây trồng khác. Nhưng vì có những loại đất, không phù hợp để trồng cam, trồng ổi, nên phải trồng mùi già.
Bên cạnh chủng loại đất, anh Tân cho rằng, hàng chục năm nay gia đình anh vẫn trồng cây mùi già để phục vụ người dân Thủ đô vào dịp Tết Nguyên đán. Dù lợi nhuận có thấp, nhưng gia đình vẫn muốn duy trì, để giữ gìn truyền thống của gia đình và nét văn hóa đặc trưng của người dân trong những ngày Tết đến xuân về.
Phiên chợ ngày giáp Tết, bên cạnh cây quất, cành đào, thịt lợn, bánh chưng… ở một góc chợ vẫn có một người đàn ông cần mẫn chở những bó mùi già tỏa hương thơm ngát để phục vụ nhu cầu, thói quen của người dân Thủ đô. |