Tại sao Anh và EU vẫn tranh cãi về Brexit sau hơn 4 năm?
Chuyên gia thương mại David Henig của Trung tâm Kinh tế chính trị quốc tế châu Âu cho biết, một thỏa thuận hậu Brexit bây giờ đã có hy vọng hơn nhưng dường như không ai tính đến chuyện đó.
Vương quốc Anh đã rời khối 27 quốc gia hiện nay về mặt chính trị, nhưng không phải về mặt kinh tế. Cuộc bỏ phiếu để rời đi vào tháng 6/2016 của Anh được theo sau bởi các cuộc đàm phán kéo dài về các điều khoản Brexit. Khi Thủ tướng Theresa May đạt được thỏa thuận với khối, Quốc hội Anh liên tục phủ quyết thỏa thuận này. Cuối cùng bà Theresa May đã từ chức trong thất bại năm ngoái. Người kế nhiệm của bà là ông Boris Johnson, đã đảm bảo thỏa thuận Brexit với EU vào tháng 10/2019, cho phép Vương quốc Anh rời đi vào ngày 31/1/2020. Hai bên đã dành cho mình khoảng thời gian chuyển tiếp 11 tháng để đạt được các thỏa thuận mới về thương mại, an ninh và một loạt các lĩnh vực khác. Khi giai đoạn đó kết thúc vào ngày 31/12, Anh sẽ rời khỏi vòng tay kinh tế của EU sau nhiều thập kỷ là thành viên của khối.
Dù có hoặc không có thỏa thuận hậu Brexit, Anh sẽ rời khỏi liên minh thuế quan và thị trường chung về hàng hóa và dịch vụ của EU, đồng thời sẽ không còn quyền tiếp cận đối tác thương mại lớn nhất của mình. Hai bên hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại tự do, không có thuế quan và hạn ngạch. Ngay cả khi điều đó xảy ra, Chính phủ Anh cho biết các doanh nghiệp phải chuẩn bị cho các thủ tục giấy tờ mới như khai báo hải quan và "sự gián đoạn ngắn hạn" đối với thương mại xuyên biên giới. Nước này đang xây dựng các bãi đậu xe rộng lớn và kho làm thủ tục hải quan gần các cảng, và cho biết một "tình huống xấu nhất hợp lý" có thể thấy tồn đọng 7.000 xe tải đang chờ vào EU. Một sự ra đi không có thỏa thuận sẽ gây khó khăn hơn nhiều, dẫn đến việc áp thuế ngay lập tức đối với nhiều mặt hàng ở các mức do Tổ chức Thương mại thế giới đặt ra - bao gồm thuế 10% đối với ô tô và hơn 30% đối với các sản phẩm sữa. Toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế Anh có thể bị hủy hoại, giá cả sẽ tăng và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt tạm thời một số hàng hóa.
Cả hai bên đều nói rằng họ muốn có một thỏa thuận, nhưng quan điểm của họ về điều đó cơ bản là trái ngược nhau. Khối liên minh cáo buộc Anh muốn duy trì quyền tiếp cận các thị trường “béo bở” của EU mà không đồng ý tuân theo các quy tắc của khối. Vì vậy, EU đòi hỏi những đảm bảo pháp lý nghiêm ngặt về việc quản lý bất kỳ thỏa thuận thương mại nào. Anh nói rằng khối này đang đưa ra những yêu cầu phi lý và không coi Anh là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Các cuộc đàm phán cũng trở nên “chua chát” bởi sự thiếu tin tưởng. Niềm tin thậm chí còn giảm xuống thấp hơn khi Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố kế hoạch vào tháng 9 để thông qua một đạo luật vi phạm một phần của thỏa thuận Brexit ràng buộc về mặt pháp lý mà Anh đã thực hiện với khối chỉ một năm trước.
Sự thất vọng bùng lên vào tuần giữa tháng 10 khi ông Johnson tuyên bố rằng ngừng các cuộc đàm phán trừ khi có sự thay đổi “cơ bản” về lập trường từ EU. Nhưng những lời hòa giải từ Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier về nhu cầu thỏa hiệp của cả hai bên đã thuyết phục Anh quay lại bàn đàm phán. Hai bên sẽ đàm phán hàng ngày, kể cả cuối tuần và xem giữa tháng 11 là thời hạn cuối cùng của một thỏa thuận nếu thỏa thuận được phê chuẩn và có hiệu lực vào cuối năm.
Đối với tất cả những mâu thuẫn và tranh luận, hai bên đã đạt được thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực, nhưng có khoảng cách lớn trong hai lĩnh vực chính. Một là chủ đề khai thác cá, dù có quy mô kinh tế nhỏ nhưng mang tính biểu tượng rất lớn. Các quốc gia EU như Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan muốn duy trì quyền tiếp cận các tàu đánh cá của họ vào vùng biển của Anh, trong khi Vương quốc Anh quyết tâm khẳng định quyền lực của mình như một "quốc gia ven biển độc lập". Vấn đề còn lại là về đảm bảo cạnh tranh công bằng và giải quyết tranh chấp - những gì được gọi là điều khoản "sân chơi bình đẳng". EU lo ngại Anh sẽ cắt giảm các tiêu chuẩn xã hội và môi trường và viện trợ của nhà nước vào các ngành công nghiệp của Vương quốc Anh, trở thành một đối thủ kinh tế có quy định thấp ngay trước cửa khối liên minh. Vương quốc Anh khẳng định họ sẽ không hạ thấp tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nhà đàm phán của Vương quốc Anh David Frost cho biết rằng, Anh sẽ không “chấp nhận các điều khoản sân chơi bình đẳng khiến Anh phải tuân theo cách thức mà EU thực hiện”.
Thủ tướng Anh đề cập đến một sự ra đi không có thỏa thuận là rời đi theo "các điều khoản giống như của Australia" - vì Australia không có thỏa thuận thương mại toàn diện với EU - và khẳng định Anh sẽ "thịnh vượng mạnh mẽ" ngay cả khi điều đó xảy ra. Nhưng hầu hết các nhà kinh tế nói rằng việc rời đi như vậy sẽ giáng một đòn mạnh vào một nền kinh tế vốn đang quay cuồng với đại dịch Covid-19. Adam Marshall, Tổng giám đốc Phòng Thương mại Anh, cho biết các doanh nghiệp Anh đang phải đối mặt với “mối đe dọa gấp ba lần đại dịch đang trỗi dậy, thắt chặt các hạn chế và kết thúc một cách hỗn loạn cho giai đoạn chuyển tiếp” rất cần sự rõ ràng mà một thỏa thuận sẽ mang lại. Cũng như tác động kinh tế, sự ra đi không có thỏa thuận sẽ gây nguy hiểm cho mọi thứ, từ việc lực lượng cảnh sát Vương quốc Anh tiếp cận cơ sở dữ liệu tội phạm của Liên minh châu Âu cho đến hợp tác khoa học giữa Vương quốc Anh và EU. Không có thỏa thuận nào thì sự không chắc chắn tiếp tục và điều đó sẽ tác động lớn hơn nhiều.