Tái hiện tình trạng sương mù, Hà Nội ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí thứ 2 thế giới
Thời tiết Hà Nội sáng ngày 4/3 rơi vào tình trạng âm u, sương mù, tầm nhìn giảm đáng kể, nhiệt độ Hà Nội khoảng 20 độ C nhưng cảm giác lạnh hơn do mưa phùn, gây khó khăn cho việc lưu thông.
Chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội trưa nay. Ảnh: IQAir |
Ghi nhận chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội trên trang IQAir lúc trưa nay là 178 - mức ô nhiễm đứng thứ 2 thế giới. Hiện tại, thành phố có mức ô nhiễm nhất thế giới là Lahore (Pakistan) với chỉ số 184.
Chất gây ô nhiễm chính là bụi mịn PM2.5, nồng độ hiện là 108,2µg/m3, cao gấp 21 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo quy luật, ô nhiễm không khí nghiêm trọng thường xuất hiện vào mùa đông, khi thời điểm này có nhiều yếu tố gia tăng ô nhiễm như gió lặng, nhiệt độ thấp, ít mưa… Những yếu tố này sẽ làm giảm khuếch tán của không khí khiến các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp thay vì thoát lên cao hoặc tỏa rộng ra các vùng khác.
Với tình trạng ô nhiễm không khí, người dân nên thường xuyên sử dụng khẩu trang, kính che mắt khi đi đường, hạn chế lưu thông qua các khu vực nhiều khói công nghiệp, chú ý bảo vệ sức khỏe trong điều kiện ô nhiễm đặc thù này. |
Trước tình trạng Hà Nội ô nhiễm không khí, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần theo dõi thường xuyên chất lượng không khí để bố trí lịch làm việc, vui chơi hợp lý. Người dân nên thường xuyên sử dụng khẩu trang, kính che mắt khi đi đường hoặc tiếp xúc với môi trường nhiều khói, bụi; hạn chế lưu thông qua các khu vực nhiều khói công nghiệp, chú ý bảo vệ sức khỏe trong điều kiện ô nhiễm đặc thù này.
Bộ Y tế đã đưa ra các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (AQI ở mức 150 - 200) như: Người dân tránh tập thể ngoài trời, đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài, đeo khẩu trang khi ra ngoài, chạy máy lọc không khí.
Nếu phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động có cường độ vừa phải. Tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.
Nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Khuyến cáo đối với người nhạy cảm, cần theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.