Supe Lâm Thao ra mắt sản phẩm phân bón chuyên dùng đáp ứng nhu cầu sản xuất sạch hơn
Nghiên cứu thành công sản phẩm phân bón chuyên dùng đáp ứng nhu cầu thị trường
Việc phát triển các dòng phân bón chuyên dùng, phân hữu cơ khoáng đáp ứng nhu cầu sản xuất xanh sạch, giảm phát thải ra môi trường đồng thời vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng nông sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, mang lại lợi ích cao cho nông dân và các doanh nghiệp sản xuất lớn trong nông nghiệp, lâm nghiêp tiếp tục là định hướng quan trọng của Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã chứng khoán LAS) trong những năm gần đây và thời gian tới.
Phát biểu tại lễ ra mắt sản phẩm phân bón mới, ông Phạm Thanh Tùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết: Đây là năm thứ tư liên tiếp, Công ty cho ra đời những sản phẩm phân bón mới. Đợt này, Supe Lâm Thao tiếp tục nghiên cứu thành công sản phẩm phân bón chuyên dùng cho cây cà phê, cây lâm nghiệp và phân bón nông nghiệp đô thị với 7 sản phẩm; trong đó có 2 sản phẩm phân bón chuyên dùng cho cây cà phê là: NPK-S Lâm Thao15-6-16+5S (mùa mưa) và NPK-S Lâm Thao16-4-6+5S (mùa khô), 1 sản phẩm phân bón chuyên dùng cho cây lâm nghiệp là NPK-S*M1 Lâm Thao 10-5-5+9S, 4 sản phẩm phân bón nông nghiệp đô thị là Hữu cơ khoáng Lâm Thao 3-5-2+2S+TE (chuyên dùng cho cây hoa, cây cảnh); NPK-S Lâm Thao 13-13-13+4S, NPK-S Lâm Thao 16-8-16+4S; NPK-S Lâm Thao 16-16-8+6S (chuyên dùng cho cây rau và cây ăn quả).
Ông Phạm Thanh Tùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao phát biểu tại lễ ra mắt sản phẩm |
Theo ông Phạm Thanh Tùng, Công ty đã phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu và đưa ra công thức bón phân chuyên dùng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của từng cây trồng khác nhau. Công ty cũng phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hoá tiến hành khảo nghiệm phân bón chuyên dùng cho từng cây trồng cụ thể, trong đó khảo nghiệm trên 60 vườn cây Cà phê mùa mưa và cây Cà phê mùa khô của Tây Nguyên, cho thấy công thức bón phân chuyên dùng của Lâm Thao đặc biệt thích hợp với từng loại cây trồng khác nhau, cũng như đối với cây Cà phê, đem lại hiệu quả cao về năng suất, chất lượng cho bà con nông dân.
Các sản phẩm trên đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn) cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Chi hội trưởng Chi hội nông dân khu 1, thị trấn Lâm Thao, Phú Thọ cho hay: Thông qua trung tâm khuyến nông Lâm Thao, nông dân khu vực thị trấn 1 đã sử dụng thủ nghiệm phân bón vi sinh thế hệ mới của Lâm Thao để bón lót và bón thúc cho lúa. Theo đó, trong vụ vừa qua, sản lượng lúa của nông dân khu 1 tăng hơn 30 kg/sào so với các sản phẩm truyền thống trong khi lượng phân bón sử dụng giảm từ 10 đến 20% so với các sản phẩm phân bón trước đây, đồng thời cây trồng ít sâu bệnh, đồng đất được cải thiện tơi xốp, hiệu suất sử dụng phân bón tăng lên.
Thông tin thêm tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Hải, Phó Viện trưởng Viện Nông Hóa Thổ Nhưỡng cho biết, việc xây dựng các công thức phân bón chuyên dùng cho cây trồng của Lâm Thao có vai trò quan trọng không chỉ giúp cây trồng được cung cấp dinh dưỡng vừa đủ, hợp lý cho sinh trưởng, đảm bảo năng suất, chất lượng nông sản mà còn nên hạn chế thấp nhất tình trạng lạm dụng phân bón, từ đó góp phần bảo vệ môi trường đất, nước, không khí.
Ông Nguyễn Quang Hải cũng đề xuất Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm phân bón cho cây dược liệu-chủng loại phân bón hiện Việt Nam vẫn chưa sản xuất được nhưng nhu cầu sử dụng tương đối cao.
Trong khi đó, bà Cao Thị Thu Tố, xã Cao Xá, Lâm Thao cho rằng, việc thay đổi mẫu mã bao bì mới của Công ty giúp nông dân rất dễ nhận biết, phân biệt hoàn toàn với các loại phân bón khác trên thị trường, từ đó giúp nông dân không bị mua phải sản phẩm phân bón kém chất lượng, phân bón giả trên thị trường.
Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và phát triển các sản phẩm mới
Phát biểu tại lễ ra mắt sản phẩm mới, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận những đóng góp quan trọng của Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho sản xuất nông nghiệp, ngân sách và việc làm cho địa phương trong nhiều năm qua.
"Xu thế sản xuất nông nghiệp xanh đang là xu thế chủ đạo trên thế giới để đáp ứng yêu cầu sản xuất nông sản chất lượng cao, đồng thời bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính"- ông Nguyễn Thanh Hải nhìn nhận.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phát biểu tại sự kiện |
“Vì vậy, trong chiến lược phát triển thời gian tới, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cơ quan quản lý để hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện quy trình sử dụng phân bón, phát triển các dòng sản phẩm phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng khí hậu của các vùng sản xuất cây công nghiệp lớn của cả nước như Tây Nguyên, các chủng loại cây trồng, nâng cao sức cạnh tranh với các sản phẩm phân bón nhập ngoại…đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường và mang lại lợi ích cao nhất cho nông dân”, ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, trong thời gian tới, bên cạnh việc duy trì, giữ vững chất lượng sản phẩm phân bón truyền thống, Supe Lâm Thao sẽ đẩy mạnh sản xuất và phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm phân bón chuyên dùng; đồng thời, tích cực tổ chức nhiều Hội nghị chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và các mô hình trình diễn sử dụng phân bón Lâm Thao để giúp nông dân nắm vững phương pháp sử dụng, nâng cao năng suất, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư vào dây chuyền công nghệ hiện đại sản xuất phân bón thế hệ mới, việc sớm sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 (Luật 71) nhằm sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 theo hướng chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng sang mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 5% là thực sự cấp bách bởi việc không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đã khiến Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao bị thiệt hại trung bình khoảng 100 tỷ đồng/năm.
“Điều này làm cho giá thành sản phẩm tăng lên từ 6-7% và doanh nghiệp bắt buộc phải tính vào giá bán; ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân cũng như làm giảm sức cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón nội địa và phân bón nhập khẩu”, ông Vũ Xuân Hồng chỉ ra.
Đồng tình với đề xuất trên, Tiến sỹ Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho hay, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị sửa đổi Luật 71 (phần liên quan đến phân bón) theo hướng chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng sang mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 5% để gỡ “nút thắt” chính sách giúp cả nhà nước, nông dân và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi.
Theo đó, nếu Quốc hội thông qua việc sửa đổi này trong năm 2024, các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ có nguồn lực đủ mạnh nhờ được hoàn thuế giá trị gia tăng cho nhà xưởng thiết bị, từ đó đầu tư mạnh hơn cho các dự án sản xuất phân bón sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, phân bón thế hệ mới, phân bón chất lượng cao hướng hữu cơ, phân vi sinh đáp ứng xu thế sản xuất nông nghiệp xanh hơn, sạch hơn theo định hướng của chính phủ.