Thứ sáu 22/11/2024 02:56

Sức vóc Công ty Tuấn Lộc và thế cuộc Cảng Phước An

Cảng Phước An, hay khu vực Nhơn Trạch (Đồng Nai) đang là cứ điểm nòng cốt mà Công ty Tuấn Lộc của đại gia Trần Tuấn Lộc tập trung đầu tư xây dựng, khai thác.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (viết tắt là Công ty Tuấn Lộc) là một trong những "đại thụ" trong làng xây dựng, bất động sản, đầu tư tài chính Việt Nam. Được thành lập năm 2005 tại Nghệ An, xuất phát điểm của Công ty Tuấn Lộc là đơn vị chuyên thi công hệ thống cấp thoát nước, thi công cọc bê tông cốt thép.

Tuy nhiên, không mất nhiều thời gian để Công ty Tuấn Lộc thể hiện sự phát triển thần tốc, vươn mình thành đại gia thứ thiệt khiến sân chơi quê nhà lúc này đã quá chật chội, không đủ dư địa nuôi dưỡng tham vọng họ nung nấu.

Vì vậy từ sớm, Công ty Tuấn Lộc đã sẵn sàng, tự tin thâm nhập sâu rộng vào thị trường kinh doanh trong nước, vươn "vòi bạch tuộc" thông qua các hoạt động kinh doanh đa dạng như: Xây lắp các công trình cầu đường; đầu tư các dự án BOT về giao thông vận tải; đầu tư phát triển các khu công nghiệp; đầu tư - thi công xây lắp các nhà máy sản xuất nước sạch và xử lý nước thải và đầu tư khai thác cảng biển.

Thương vụ M&A Cảng Phước An từ tay đại gia Sơn "xay xát" khuếch trương thanh thế của ông Trần Tuấn Lộc (Ảnh minh họa)

Nếu ở tỉnh nhà Nghệ An, Công ty Tuấn Lộc chỉ được biết đến là "tác giả" của hàng loạt dự án tầm cỡ có vốn đầu tư vài nghìn tỷ đồng, điển hình như dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Tuấn Lộc, dự án Khu kinh tế Đông Nam - Nghệ An; dự án Đầu tư xây dựng bến 5,6,7,8 ở Cảng Cửa Lò...

Thì ở sân chơi toàn quốc, Công ty Tuấn Lộc bộc lộ sự "bành trướng" khi liên tiếp thâu tóm cổ phần của các công ty gốc nhà nước, chẳng hạn như Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1), Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng TP. Hồ Chí Minh (CII), Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 (C4G), Công ty Cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa (TID), Công ty Cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP), Công ty Cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh (NAP)...

Phía sau mỗi phi vụ đầu tư của Công ty Tuấn Lộc là câu chuyện dài, những ẩn tình đã làm tiêu tốn biết bao giấy mực của truyền thông đại chúng suốt nhiều năm. Thế nhưng, giữa bối cảnh thương hiệu Tuấn Lộc đang nổi đình nổi đám, từ các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) rầm rộ trị giá hàng nghìn tỷ đồng cho tới việc tặng xe sang cho chính quyền Nghệ An, bỗng chốc họ chọn chiến lược kinh doanh âm thầm trong im lặng, hạn chế tối đa việc xuất hiện trên mặt báo, nên thông tin về họ ngày càng đắt giá và được dư luận đặc biệt quan tâm.

Nhìn lại quá trình phát triển của Công ty Tuấn Lộc, không khó để phát hiện ra 2014 là năm bản lề, khởi động cho thời kỳ tung hoành ngang dọc Bắc - Trung - Nam. Khi này, các cổ đông của Công ty Tuấn Lộc, dẫn đầu bởi Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Tuấn Lộc (SN 1980, nguyên quán Nam Đàn, Nghệ An) đã thực hiện đợt tăng vốn điều lệ đáng chú ý, từ 600 tỷ đồng lên 950 tỷ đồng, số tiền lớn gấp rưỡi được bổ sung chỉ trong 1 đêm.

Để phục vụ chiến dịch M&A doanh nghiệp nhà nước, Công ty Tuấn Lộc tiếp tục tăng vốn lên 1.600 tỷ đồng, 2.200 tỷ đồng (năm 2016), 3.000 tỷ đồng (2017), 3.050 tỷ đồng (2020), 3.500 tỷ đồng, 4.100 tỷ đồng (2021), 4.180 tỷ đồng và cuối cùng là 4.330 tỷ đồng (2022). Tới nay, Công ty Tuấn Lộc đang duy trì số vốn góp cổ đông là 4.330 tỷ đồng.

Như đã trình bày phía trên, thời gian qua, dư luận không được chứng kiến sự xuất hiện của ông Trần Tuấn Lộc với vai trò "thuyền trưởng" của Công ty Tuấn Lộc trên mặt báo. Từ lâu, cảm tưởng ông Trần Tuấn Lộc gần như đã biến mất khỏi Công ty Tuấn Lộc. Những đồn đoán về việc ông Lộc rút khỏi doanh nghiệp được dấy lên, đặc biệt khi người điều hành công việc kinh doanh hàng ngày, đại diện pháp luật và kiêm phát ngôn của Công ty Tuấn Lộc đều giao cho ông Bùi Thái Hà (SN 1976) đảm đương.

Vậy nhưng, theo tìm hiểu của Báo Công Thương, thực tế chỗ đứng của ông Trần Tuấn Lộc tại doanh nghiệp mang tên ông đến giờ chẳng hề bị lay chuyển. Đại gia quê Nam Đàn vẫn là ông chủ đứng sau với quyền lực chi phối tuyệt đối.

Cụ thể, một tài liệu Báo Công Thương tiếp cận cho biết, từ năm 2022, ông Trần Tuấn Lộc và phu nhân - bà Nguyễn Thị Thanh Lâm đã đem hơn 300 triệu cổ phần Công ty Tuấn Lộc, trị giá hơn 3.000 tỷ đồng (tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần), tương đương 73,82% vốn điều lệ doanh nghiệp cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) - Chi nhánh Nhơn Trạch cầm giữ làm tài sản thế chấp. Sau đó, hai bên đã có những sự sửa đổi, bổ sung cho hợp đồng thế chấp quyền tài sản, nhưng cơ bản khối tài sản được "gán" không xê dịch.

Giống như người "thủ lĩnh" Công ty Tuấn Lộc "làm mẫu", vợ chồng ông Nguyễn Trường Sơn - Phạm Thị Bích Lan cũng nhanh chóng đưa hơn 41 triệu cổ phần, tức hơn 9,8% vốn điều lệ doanh nghiệp cho phía Vietinbank - Chi nhánh Nhơn Trạch vào tháng 1/2023. Như vậy, ông Trần Tuấn Lộc và ông Nguyễn Trường Sơn đã nắm tới trên 83% cổ phần Công ty Tuấn Lộc. Không ngoại trừ khả năng, cổ đông còn lại là ông Trần Tuấn Long (SN 1975) và bà Nguyễn Thị Bình (SN 1982) - những người từng điền tên trong danh sách góp vốn công khai của Công ty Tuấn Lộc.

Thế cuộc Cảng Phước An

Tính đến hết năm 2023, trong khối tài sản 6.127 tỷ đồng (4.818 tỷ đồng hình thành từ vốn chủ sở hữu), Công ty Tuấn Lộc sử dụng 480 tỷ đồng để đầu tư góp vốn vào công ty liên kết. Đặc biệt, Công ty Tuấn Lộc đem 2.972 tỷ đồng (phân nửa tài sản) thành lập công ty con, chiếm tỷ trọng lớn thuộc về Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A (vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng), Công ty TNHH BOT Phước An (vốn điều lệ 313,5 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư Phước Bình (vốn điều lệ 300 tỷ đồng)...

Tách nửa tài sản cho Công ty Nhơn Trạch 6A - điều đó nói lên sự quan trọng mà "phó tướng" có vai trò chiến lược trong chuỗi hoạt động kinh doanh hiện nay của Công ty Tuấn Lộc đảm trách. Được biết, Công ty Nhơn Trạch 6A gián tiếp là cổ đông lớn tại Công ty Cảng Phước An (PAP) sau khi mua lại Công ty TNHH MTV Hoành Sơn của doanh nhân Phạm Hoành Sơn (tức Sơn "xay xát") hồi tháng 2/2019.

Khu vực Phước An (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cũng đang là thị trường khó thay thế của mạng lưới Công ty Tuấn Lộc. Việc hoàn thành dự án Cảng Phước An trước tiên sẽ giúp tên tuổi, địa vị của Công ty Tuấn Lộc được củng cố và đề cao, cùng đó, dòng tiền "khủng" sẽ "chảy" về đều đặn từ cảng có vị trí trọng yếu trong vùng kinh tế động lực phía Nam (hạt nhân quan trọng là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu), nơi có lượng hàng container thông qua chiếm 70%, hàng tổng hợp chiếm 50% lượng hàng thông qua cảng biển Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Cảng Phước An hiện là ông Nguyễn Thành Đạt (SN 1987), không ai khác, còn là người đang đứng tên cho hai công ty con của Công ty Tuấn Lộc là Công ty Nhơn Trạch 6A và Công ty TNHH Đầu tư Phước Bình. Khi ông Đạt lên nắm quyền ở Cảng Phước An, doanh nghiệp này đã ưu tiên lựa chọn Công ty Tuấn Lộc là nhà thầu thực hiện các hợp đồng xây dựng công trình liên quan, với tổng khối lượng ước tính cả chục nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ở Đồng Nai, Công ty Tuấn Lộc còn được Đồng Nai chấp thuận là nhà đầu tư dự án BOT đường 319 - Cảng Phước An dài 5,8 km với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, Công ty Tuấn Lộc cùng Công ty Cổ phần Xây dựng Hạ tầng Hải An lập ra doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH BOT Phước An với vốn sáng lập 208,5 tỷ đồng (nay tăng lên 313,5 tỷ đồng). Kỳ lạ, dự án tuy lớn nhưng lại được UBND tỉnh Đồng Nai khi ấy tổ chức đấu thầu trực tiếp, và tỷ lệ chiết khấu thấp không tiết giảm phần nào nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Cần biết, để vào Cảng Phước An, chỉ có duy nhất một tuyến đường chính được xây dựng theo hình thức BOT do Sở Giao thông vận tải Đồng Nai phê duyệt tiến độ từ năm 2021 - 2023. Nói vậy để thấy, Công ty Tuấn Lộc đang dồn toàn bộ sức lực cho dự án mấu chốt là Cảng Phước An, sau khi đánh bật Công ty Hoành Sơn của đại gia Sơn "xay xát", qua đó tạo nên vị thế đáng gờm trong mắt cộng đồng doanh nhân.

Giỏi "buôn tiền", phát huy thế mạnh kinh doanh tài chính

Sau năm 2021, thời điểm doanh thu cốt lõi của Công ty Tuấn Lộc trượt dốc xuống vùng thấp lịch sử (461 tỷ đồng, giảm 42% so với năm trước đó), "gió đã đảo chiều", doanh nghiệp liên tục "lên hương" và vừa lập kỷ lục với doanh thu chạm ngưỡng 1.700 tỷ đồng vào năm 2023.

Không còn "sống dựa" vào doanh thu tài chính (lấy từ hoạt động đầu tư tài chính), điều đó phản ánh quyết định trở thành cổ đông lớn của Cảng Phước An là đúng đắn. Các gói thầu, hợp đồng kinh tế Công ty Tuấn Lộc ký được ở khu vực huyện Nhơn Trạch cũng đã góp phần cải thiện doanh số cho nhà thầu này.

Tuy nhiên, nếu đánh giá hiệu suất lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi và tài chính của Công ty Tuấn Lộc, cán cân có phần nghiêng hẳn về phía khả năng "buôn tiền". Việc chi phí giá vốn luôn chiếm tỷ trọng cao so với doanh thu thuần, khiến thu nhập từ khoản xây dựng, thi công công trình đang tỏ ra lép vế rõ rệt.

Các khoản thu tài chính lớn, đều đặn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm của Công ty Tuấn Lộc không cần chịu chi phí tương đương (bình quân chỉ khoảng vài tỷ/năm), nên vẫn là nguồn thu nhập chính của họ.

Dễ nhận thấy nhất là năm 2021, khi doanh thu cốt lõi giảm sút, nhưng lợi nhuận ròng vẫn "lên đỉnh" nhờ doanh thu tài chính vọt tăng lên 510 tỷ đồng. Năm này, lãi ròng công bố lên tới 511 tỷ đồng, tuy nhiên, năm 2023, lãi ròng chỉ đạt có 303 tỷ đồng.

Trở lại với Cảng Phước An, một chi tiết nữa thể hiện số phận doanh nghiệp dự án cảng biển tầm cỡ phía Nam đang nằm trong tay Tuấn Lộc giữa lúc cổ đông nhà nước mất dần quyền lực. Điểm được nhắc tới là vị trí Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị lúc này đã thuộc về ông Trương Hoàng Hải, từ năm 2022.

Ông Hải là "thủ lĩnh" Công ty Cổ phần Đầu tư tài nguyên nước Tuấn Lộc - đơn vị có trùng địa chỉ kinh doanh với Công ty Tuấn Lộc. Ba cổ đông của Công ty Nước Tuấn Lộc cũng chính là ông Trần Tuấn Lộc, ông Trần Tuấn Long và ông Nguyễn Trường Sơn.

Hoa Đông
Bài viết cùng chủ đề: Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4

Tin cùng chuyên mục

Hộp thư bạn đọc ngày 14/11: Phản ánh liên quan đến sản phẩm Hoa Nhất; bãi xe phường Yên Sở

Hải Phòng: Chủ hàng ăn khám…răng, loạn nha khoa không phép

Công ty TNHH Hamachi Việt Nam 'vô tư' rao bán xe điện Durable thuộc diện cấm lưu thông?

Thấy gì từ trang web Công ty Nhật Hưng bán 1 tấn bò khô '4 không'?

Vụ lô đất gần 7 tỷ đồng thiếu 58m2 ở Hà Nội: Người trúng đấu giá đất có được trả lại tiền?

Người dùng liên tiếp phàn nàn về chất lượng, website bán xe điện Hokido bất ngờ 'bốc hơi'

Hải Phòng: Người dân khốn khổ sống trong chung cư xuống cấp

Hộp thư bạn đọc ngày 7/11: Tổng cục Hải quan phản hồi thông tin; phản ánh liên quan GFDI

Người dùng phản ánh xe điện Hokido kém chất lượng, nhiều nghi vấn về nguồn gốc, xuất xứ

Quản lý thị trường Hà Nội xử phạt cơ sở bán vàng Như An Diamond sau phản ánh của Báo Công Thương

Thanh Hóa: Người dân lo ngại ô nhiễm môi trường khi quy hoạch khu xử lý rác tại xã Yên Lạc

Hộp thư bạn đọc ngày 31/10: Phản ánh về Công ty TNHH Tốp Tên, trang Facebook Phan Thủy Tiên

Tuyên Quang: Kiên quyết xử lý Công ty Hồng Phát làm trang trại nuôi lợn đổ đất thải trái phép

Hà Nội: Trúng đấu giá lô đất gần 7 tỷ đồng, phát hiện bị thiếu 58m2

Mua căn hộ chung cư Phương Đông Green Park, người dân bất an vì dự án vướng loạt sai phạm

TikToker Phan Thủy Tiên lại vướng lùm xùm quảng cáo mỹ phẩm trái quy định

Hà Nội: Mua căn hộ Hado Parkside giá tiền tỷ, cư dân mòn mỏi đợi sổ hồng

Vụ 10.000 chai nước hoa nghi nhập lậu: Phan Thủy Tiên lên tiếng

Hộp thư ngày 24/10: Phản ánh về cửa hàng Owen, mỹ phẩm Kahanna, quán Bar 1900

Đổ 1.000 m3 phế thải vào dự án 48 tỷ tại Hà Nội: Chủ đầu tư nói gì?