Sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội: Phải đảm bảo chính sách là giải pháp lâu dài cho người lao động
Theo Nghị quyết số 114/NQ-CP ngày 28/7/2023 phiên họp Chính phủ tháng 7 năm 2023 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ đã thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đánh giá dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nhiều nội dung phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống an sinh xã hội và người lao động.
Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung dự thảo Luật theo hướng thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về bảo hiểm xã hội; tiếp tục tổng kết quy định pháp luật liên quan và tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn, đánh giá đầy đủ cơ sở lý luận và căn cứ để xác định các vấn đề cần kế thừa, các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện hoặc các vấn đề cần bãi bỏ; tổ chức lấy ý kiến các đối tượng tác động, tham vấn chuyên gia, nhà khoa học, tham khảo kinh nghiệm quốc tế; thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với hoạt động kiểm tra, giám sát; đa dạng hóa nguồn lực để huy động tổ chức thực hiện luật…
Phải đảm bảo chính sách bảo hiểm xã hội thực sự là giải pháp lâu dài cho người lao động |
Tại phiên thảo luận “Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023 ngày 19/9, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - ông Nguyễn Văn Hồi cho biết, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này hết sức quan trọng và cần thiết, đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023-2024.
Cụ thể, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội bổ sung nhóm lực lượng lao động là chủ hộ kinh doanh (khoảng 2 triệu chủ hộ có đăng ký kinh doanh và đóng thuế) thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đồng thời, bổ sung nhóm đối tượng quản lý hợp tác xã và cơ sở kinh doanh; bổ sung nhóm chế độ hưu trí bảo hiểm xã hội cho những người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên. Qua đó, giúp gia tăng độ bao phủ chính sách bảo hiểm xã hội.
Theo đó, có 5 nhóm chính sách lớn trong Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) trình lên Quốc hội, đáng chú ý là sửa đổi quy định mức đóng, mức hưởng bảo hiểm xã hội, quy định thu-chi Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải quyết việc trốn đóng bảo hiểm xã hội giải quyết việc rút bảo hiểm xã hội một lần; cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội một cách hiệu quả hơn, công khai, minh bạch hơn; quy định về đầu tư an toàn, hiệu quả của quỹ bảo hiểm xã hội trong tương lai.
Đánh giá nội dung dự án luật, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, cơ quan thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cho biết, Dự án luật có 5 nhóm chính sách lớn và 11 vấn đề mà Chính phủ đã trình. Ủy ban đã tiến hành thẩm tra nội dung này tại phiên họp lần thứ 10 vừa qua.
Tuy nhiên theo ông Đặng Thuần Phong với các chính sách này, cần làm rõ đâu là chính sách thể chế hóa Nghị quyết, đâu là giải pháp tình thế. "Hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung rút bảo hiểm xã hội một lần trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Cơ quan soạn thảo đang lắng nghe, tiếp thu các ý kiến này. Quan điểm của Ủy ban Xã hội là bất kể chọn phương án nào nhưng phải đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động"- ông Phong cho hay.
Bên cạnh đó, ông Đặng Thuần Phong nhấn mạnh, phải đảm bảo chính sách bảo hiểm xã hội thực sự là giải pháp lâu dài cho người lao động. Còn việc rút bao nhiêu, một lần hay nhiều lần thì cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng. Ngoài giải pháp trực tiếp là sửa luật thì có giải pháp gián tiếp là cơ chế tính dụng, chính sách bảo đảm việc làm ổn định...để đáp ứng yêu cầu, giải quyết bài toán đặt cho cho việc rút bảo hiểm 1 lần hiện nay.
Liên quan đến vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng, đây là thực trạng rất day dứt. Trong giai đoạn 2016-2022, cả nước có tới 3,5 triệu người rút bảo hiểm xã hội một lần và số người rút bảo hiểm xã hội một lần thường rơi vào các trường hợp đóng dưới 5 năm (70%). Tuy nhiên, vấn đề đáng lo nhất là nhiều người lao động chưa nhận thức được vai trò, vị trí quan trọng của bảo hiểm xã hội trong bảo đảm an sinh xã hội; thu nhập của người lao động thấp nên khi gặp khó khăn mất việc làm, nên sẽ rút bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết khó khăn trước mắt.
“Giải pháp thời gian tới, chúng tôi kiến nghị điều đầu tiên là giải quyết vấn đề nhận thức, tăng cường truyền thông, vận động. Bảo hiểm nhân thọ chỉ có khía cạnh bảo hiểm, nhưng các chiến dịch truyền thông của họ thu hút rất nhiều người tham gia. Do đó, chúng ta nên có các chương trình xúc tiến để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội và có cơ chế hỗ trợ người lao động một khoản trợ cấp tạm thời giải quyết khó khăn; có cơ chế để tiếp cận vốn chính sách để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội...”- Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi phân tích.
Để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần như: Giảm điều kiện hưởng lương hưu (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước bảo đảm trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; hưởng bảo hiểm y tế do Quỹ Bảo hiểm xã hội đóng, thời gian hưởng bảo hiểm y tế tối đa bằng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động; ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.