Thứ hai 25/11/2024 00:05

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Vì sao nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ?

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên sau 12 năm triển khai Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ.

Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên Báo Công Thươngđã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hải Dũng- Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương.

Thưa ông, sau 12 năm Luật sử dụng năng lượng và hiệu quả đi vào cuộc sống, những tác động mà luật đã mang lại cho nền kinh tế là gì?

Trước khi có Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ), thì giai đoạn 2006-2010, chúng ta thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng TK&HQ, qua đó đã tiết kiệm thực tế là 3,4%, tương đương với 4,9 triệu TOE; và quan trọng nhất trong giai đoạn này là đã triển khai xây dựng được khung pháp lý chuẩn bị cho việc ban hành Luật sử dụng năng lượng TK&HQ vào năm 2010.

Ông Đặng Hải Dũng- Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương

Luật sử dụng năng lượng TK&HQ - Luật số 50/2010/QH12 được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Luật số 50/2010/QH12 đã khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta coi sử dụng năng lượng TK&HQ là chính sách được ưu tiên hàng đầu, giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế gắn với an ninh năng lượngbảo vệ môi trường, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Cùng với sự ra đời của Luật sử dụng năng lượng TK&HQ, một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được khẩn trương xây dựng và ban hành, tạo thành khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, đảm bảo cho tính thực thi các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng TK&HQ bao gồm các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng, quy chuẩn kỹ thuật về hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các trang thiết bị mục tiêu, các văn bản hướng dẫn tác nghiệp…

Tính đến nay, 26 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành ở cấp Trung ương ; 50 bộ Tiêu chuẩn quốc gia về suất năng lượng được xây dựng và triển khai trên thực tế.

Hiệu quả của việc hình thành hệ thống văn bản pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả một cách đồng bộ, thống nhất đã thúc đẩy sự vào cuộc của hệ thống chính trị trên phạm vi toàn quốc đã làm thay đổi nhận thức và hành vi của toàn xã hội. Các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức chính trị xã hội nhiệt tình ủng hộ và hăng hái vào cuộc tham gia các hoạt động hiệu quả năng lượng. Các hoạt động của các có tính lan tỏa rộng rãi như “Cuộc thi hộ gia đình tiết kiệm điện” do Hội phụ nữ các cấp tiến hành hoặc Chương trình “Giờ trái đất” được đông đảo hội thanh niên, sinh viên các trường đại học tham gia hưởng ứng…

Tác động của Luật đã được thể hiện rõ thông qua sự vào cuộc của các Bộ, ngành và địa phương. Kết quả tiết kiệm năng lượng đạt được ở giai đoạn 2011-2015 là rất lớn, tăng gần gấp đôi của giai đoạn trước (2006-2010) và góp phần tiết kiệm năng lượng cho cả 2 giai đoạn. Theo báo cáo của Viện Năng lượng (2016) giai đoạn 2011-2015 mức tiết kiệm thực tế đạt được là 5,65%, tương đương với 11.2 KTOE .

Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ với công tác tiết kiệm năng lượng, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Phải khẳng định rằng thành công lớn nhất của công tác tiết kiệm năng lượng trong những năm qua là chúng ta đã xây dựng được một hệ thống các văn bản, chính sách pháp luật, các tiêu chuẩn, định mức kinh tế năng lượng cho một số ngành… Tuy nhiên tính tuân thủ Luật còn nhiều hạn chế, có hiện tượng doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm các quy định về lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện kiểm toán năng lượng; hoặc thực hiện một cách hình thức, đối phó với cơ quan quản lý nhà nước;

Việc áp dụng các quy định về quản lý năng lượng còn chưa đồng đều giữa các ngành, các địa phương, giữa các doanh nghiệp.

Qua thực hiện khảo sát, 90% các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp và kinh doanh, xây dựng đã xây dựng hệ thống quản lý năng lượng.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải thì các doanh nghiệp hầu hết chưa xây dựng quy định về xây dựng mô hình quản lý năng lượng. Nguyên nhân là do đặc thù ngành nghề nên các doanh nghiệp giao thông vận tải khó áp dụng các quy định chung về xây dựng mô hình quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng.

Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội giao thông vận tải đề xuất, khuyến nghị áp dụng mô hình hoặc thiết chế quản lý năng lượng phù hợp đối với từng lĩnh vực đường bộ, đường thủy và hàng không; có thể lựa chọn phương thức quản lý theo hiệu suất năng lượng của phương tiện hoặc tuân thủ các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Điều này cũng đặt ra những yêu cầu về điều chỉnh quy định đối với các đối tượng áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tế, với đặc thù của các ngành nghề.

Bên cạnh đó, việc áp dụng mô hình quản lý năng lượng ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là tương đối tốt. 100% có Chương trình, kế hoạch tiết kiệm năng lượng. Nhưng trong lĩnh vực phân phối, kinh doanh xăng dầu còn thiếu đồng bộ và nhất quán. Đánh giá này dựa trên kết quả khảo sát nhận được từ 13 tập đoàn, tổng công ty sản xuất, kinh doanh, phân phối năng lượng.

Đơn cử như trong lĩnh vực điện lực Tập đoàn điện lực Việt Nam, các Tổng công ty Điện lực và các đơn vị trực thuộc là doanh nghiệp tiên phong và gương mẫu trong triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Công nhân Điện lực Hòa Bình tuyên truyền cho doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Trong khi đó, ở phía các Tập đoàn tổng công ty trong lĩnh vực xăng dầu thì có sự khác biệt rất lớn trong việc xây dựng triển khai các hoạt động hiệu quả năng lượng. Các công ty thực hiện quản lý tốt định mức hao hụt xăng dầu như Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) triển khai hệ thống quy định kỹ thuật về hao hụt xăng dầu rất tốt và bài bản. Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty cổ phần PetroTimes có xây dựng hệ thống quản lý hao hụt xăng dầu theo tiêu chuẩn ISO và hệ thống quản lý riêng.

Ngược lại, sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Công ty Hóa dầu quân đội…thì chúng tôi không có thông tin về các đơn vị này do không có thông tin phản hồi từ phiếu khảo sát.

Cùng với đó, chất lượng kiểm soát hoạt động sử dụng năng lượng thông qua các báo cáo giám sát đối với các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm vẫn chưa đồng đều.

Các doanh nghiệp không nằm trong nhóm các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến hoạt động tiết kiệm năng lượng, có thể các đối tượng này trong Luật mới đưa ra hình thức khuyến khích chứ chưa có chế tài ràng buộc dẫn đến các doanh nghiệp còn thờ ơ với công tác tiết kiệm năng lượng.

Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực dầu khí cũng đã chủ đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng

Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực (quản lý viên năng lượng và kiểm toán viên năng lượng) phục vụ các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm chưa theo kịp các yêu cầu phát triển của thị trường.

Hiện, số lượng các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm của cả nước (năm 2020) là 2961 doanh nghiệp, tương ứng với tổng năng lượng tiêu thụ 34,3 Triệu TOE, chiếm 51% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của cả nước.

Theo quy định của Luật, các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có trách nhiệm bổ nhiệm người quản lý năng lượng nhằm xây dựng kế hoạch hàng năm và 5 năm về sử dụng năng lượng TK&HQ. Đồng thời, thực hiện các biện pháp, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng TK&HQ, hỗ trợ thực hiện xây dựng mô hình quản lý năng lượng.

Ngoài ra các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có trách nhiệm thực hiện kiểm toán năng lượng 3 năm một lần theo quy định của Luật sử dụng năng lượng TK&HQ. Qua khảo sát có thể thấy việc triển khai quản lý năng lượng tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng năng lượng còn nhiều tồn tại.

Vai trò của Người quản lý năng lượng tại nhiều doanh nghiệp chưa được phát huy đầy đủ theo đúng yêu cầu của Luật sử dụng năng lượng TK&HQ. Đội ngũ Quản lý năng lượng chưa được cập nhật các kiên thức về công nghệ một cách thường xuyên.

Ngay cả nguồn nhân lực trong kiểm tra, giám sát từ các cơ quan quản lý cũng còn hạn chế về cả số lượng và chất lượng.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các doanh nghiệp còn thơ ơ với công tác tiết kiệm năng lượng đó là chúng ta đang thiếu sự công cụ hỗ trợ tài chính đủ mạnh hỗ trợ cho lĩnh vực sử dụng năng lượng TK&HQ.

Điều 41, Điều 42 của Luật sử dụng năng lượng TK&HQ quy định ưu đãi đối với hoạt động sử dụng năng lượng bao gồm các công cụ hỗ trợ kinh phí từ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Hỗ trợ đầu tư sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; đầu tư dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng được ưu đãi, hỗ trợ ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai; Được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển; Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ bảo vệ môi trường và được hỗ trợ từ Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao.

Hạn chế của các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng bằng các công cụ tài chính truyền thống (như: hỗ trợ vốn, đất đai, miễn giảm thuế, phí) chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tín dụng, thuế, đầu tư, đất đai nên chưa có tác dụng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này một cách bền vững.

Các công cụ tài chính phi truyền thống vận hành dưới dạng Quỹ tài chính đã được giới thiệu và từng bước đưa vào áp dụng tại Việt Nam thời gian gần đây và đã đạt được những kết quả thành công nhất định ở quy mô thử nghiệm và đã chứng minh Quỹ tài chính là công cụ phù hợp để thúc đẩy thị trường tiết kiệm năng lượng chưa phát triển tại Việt Nam hiện nay.

Trước những bất cập trên, theo ông chúng ta cần phải có những cơ chế, giải pháp như thế nào nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động tiết kiệm năng lượng?

Để thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng TK&HQ trong thời gian tới, theo tôi cần thiết phải xây dựng công cụ và giải pháp mới và phù hợp để giải quyết vấn đề thực tiễn và luật hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (viết tắt là Nghị quyết số 55-NQ/TW) đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội; xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, góp phần thúc đẩy năng suất lao động và đổi mới mô hình tăng trưởng”.

Và đặc biệt Nghị quyết 55-NQ/TW đặt ra yêu cầu mới đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường hiệu quả năng lượng một cách đồng đồng bộ một cách cụ thể "...Hoàn thiện cơ chế, chính sách, các công cụ có tính thị trường để đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả....." ,

Nghị quyết số 55-NQ/TW cũng nêu rõ nhiệm vụ xây dựng các công cụ và giải pháp mới trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bao gồm: Xây dựng các công cụ hỗ trợ tài chính về thuế, đất đai, lãi vay, cơ chế bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp có các dự án về sử dụng năng lượng TK&HQ; Xây dựng cơ sở pháp lý để có thể hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ về phát triển năng lượng bền vững, thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ theo hướng xã hội hoá

Triển khai Nghị quyết 55, Bộ Công thương sẽ phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng thí điểm quỹ tài chính hỗ trợ cho tiết kiệm năng lượng để huy động các nguồn lực tài chính hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng.

Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ với mục tiêu huy động mọi nguồn tài chính cả trong và ngoài nược. Đặc biệt hình thành Quỹ tiết kiệm năng lượng sẽ tạo ra cơ hội hỗ trợ triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam từ nguồn quỹ của các Tổ chức tài chính phát triển do các Tổ chức tài chính quốc tế tài trợ (DFI) như: Quỹ đối tác về năng lượng sạch, Quỹ biến đổi khí hậu, Quỹ Tài chính khí hậu Châu Á – Thái Bình Dương (ADB); Các Quỹ đa phương như Quỹ khí hậu xanh (GCF), Quỹ Môi trường toàn Cầu (GEF), Quỹ các bon, Quỹ JFJCF của Nhật Bản, Quỹ Tài chính khí hậu Úc …

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy Quỹ từ tiết kiệm năng lượng cũng là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ việc phát triển thị trường cho các công ty dịch vụ tư vấn năng lượng bao gồm cả ESCO nhà nước và ESCO tư nhân.

Xin cảm ơn ông!

Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Năng lượng

Tin cùng chuyên mục

Cận cảnh cây cầu trị giá hơn 1.800 tỷ đồng sau một năm thi công

Hải Phòng: Cháy lớn thiêu rụi nhà xưởng tại khu công nghiệp Tràng Duệ

Trung tướng Khuất Duy Tiến, Anh hùng Lực lượng vũ trang đã từ trần

Nhân sự địa phương: Nghệ An có tân Chủ tịch HĐND; Ban Bí thư chuẩn y lãnh đạo nhiều tỉnh, thành

Dự báo thời tiết biển hôm nay 24/11/2024: Có mưa rào và dông rải rác trên biển

Dự báo thời tiết hôm nay 24/11/2024: Các tỉnh miền Bắc trời trở lạnh

Trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho hai phi công vụ máy bay Yak-130 rơi

Sôi động thị trường lao động tại các khu công nghiệp dịp cuối năm

Khẩn trương xóa nhà tạm, nhà dột nát: Thực hiện giấc mơ an cư cho người nghèo

Khói lửa bốc cháy dữ dội bao trùm 1.000 m2 công ty gỗ ở Bình Dương

Ngành Thanh tra: Phát huy truyền thống, không ngừng phát triển

Nhân sự 22/11: Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thay nhân sự chủ chốt; Bình Phước có tân nữ Bí thư Tỉnh

Dự báo thời tiết biển hôm nay 23/11/2024: Có gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển

Dự báo thời tiết hôm nay 23/11/2024: Bắc Bộ nhiệt độ hạ thấp, Nam Bộ ngày nắng

Mức hỗ trợ người có công xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở

Viettel tuyển thẳng 101 tài năng công nghệ từ hơn 3.000 hồ sơ ứng tuyển

Chạy thử nghiệm 3 làn thu phí không dừng tại sân bay Nội Bài

Việt Nam - Lào - Campuchia tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn

Liên đoàn Lao động 5 tỉnh đồng bằng sông Hồng bổ sung hơn 2.400 thỏa ước lao động tập thể

Hội thảo khoa học quốc gia ‘Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh'