Socola Việt từng bước ghi dấu ấn trên thị trường thế giới
Thị trường socola trên toàn thế giới ngày càng phát triển mạnh do nhu cầu tăng. Theo Mordor Intelligence, quy mô thị trường socola dự kiến sẽ tăng từ 111,97 tỷ USD vào năm 2023 lên 133,18 tỷ USD vào năm 2028 (với tốc độ CAGR là 3,53%) trong giai đoạn dự đoán.
Socola Việt ngày càng được người tiêu dùng đón nhận |
Con số nói trên cho thấy, thị trường socola là một ngành công nghiệp lớn với giá trị cao và tiềm năng phát triển. Tại Việt Nam, thị trường này cũng ghi nhận sự phát triển khi có ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia bằng việc tìm tòi, nghiên cứu cho ra mắt những sản phẩm đa dạng để thu hút người tiêu dùng.
Nhìn chung, thị trường socola Việt khá đa dạng với những sản phẩm như socola đen, socola sữa, socola trắng, socola hạt, hoa quả,... Đặc biệt, gần đây nhiều thương hiệu còn kết hợp giữa socola với các nông sản đặc trưng vùng miền như dừa, gừng, tiêu, quế… để tạo sự mới lạ và độc đáo cho sản phẩm.
Các sản phẩm socola của Alluvia Chocolatier hiện không chỉ bán tại Việt Nam mà xuất đi nhiều thị trường có tiêu chuẩn khắt khe như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) |
Chia sẻ về sự kết hợp này, bà Nguyễn Ngọc Điệp - Giám đốc Công ty TNHH Ca Cao Xuân Ron Chợ Gạo - nhà sản xuất socola Tiền Giang được biết đến với thương hiệu Alluvia Chocolatier- cho biết: Chúng tôi đang sản xuất và phân phối các loại socola đen từ nguyên liệu cacao vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việc sản xuất socola nông sản, cụ thể là socola dừa, gừng, tiêu, quế… xuất phát từ mong muốn nâng cao giá trị cho các loại nông sản của Việt Nam, đặc biệt là trái cacao, đồng thời qua đó giới thiệu nông sản đặc trưng vùng miền của Việt Nam đến người tiêu dùng thế giới.
Mật hoa dừa của Trà Vinh được kết hợp cùng cacao tạo nên sản phẩm socola độc đáo, hứa hẹn bùng nổ trên thị trường |
“Chúng tôi đã kết hợp cacao với dừa của vùng đất Bến Tre, tiêu Phú Quốc, gừng Cao Bằng… và gần đây nhất là mật hoa dừa của Trà Vinh để tạo ra socola có hương vị riêng, khơi gợi sự tò mò của người tiêu dùng. Nhờ vậy các sản phẩm của Alluvia Chocolatier hiện không chỉ bán trong nước mà thu hút rất nhiều du khách quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu”- bà Ngọc Điệp cho biết và nói rằng, ngoài bán trong nước, công ty này đã xuất khẩu socola nông sản tới một số thị trường như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Trong kế hoạch sắp tới công ty dự định sẽ mở rộng sang châu Âu bởi đây là thị trường khá tiềm năng.
Riêng về socola mật hoa dừa, theo bà Điệp, đây là sản phẩm vừa được ra mắt với sự kết hợp giữa mật hoa dừa của Sokfarm (thương hiệu của Công ty TNHH Trà Vinh Farm đến từ Trà Vinh) và Alluvia Socola.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Sokfarm là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam kế thừa và phát triển ngành nghề thu mật hoa dừa truyền thống của người Khmer Nam Bộ. Với diện tích hơn 25.000 hecta dừa ở Trà Vinh, Sokfarm áp dụng kỹ thuật mát-xa hoa dừa để thu mật, gia tăng giá trị gấp 3-5 lần so với thu hoạch trái dừa, đồng thời bảo tồn ngành nghề truyền thống và xây dựng nông nghiệp bền vững. Sản phẩm mật hoa dừa của Sokfarm tuân theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, có chỉ số đường huyết thấp, phù hợp với nhiều đối tượng và có nhiều ứng dụng trong chế biến thực phẩm. Do đó, ông Phạm Đình Ngãi, CEO của Sokfarm kỳ vọng, sự kết hợp này ngoài thể hiện tinh thần chăm sóc sức khỏe cộng đồng, còn là là sự nâng niu giá trị của nông sản bản địa.
Ngoài Alluvia Socola, Việt Nam còn có một số thương hiệu khác đã làm nên tên tuổi socola Việt như Marou hay Figo… Những sản phẩm này có điểm chung là mang hương vị đặc trưng của cacao từ các vùng nguyên liệu khác nhau tại Việt Nam như Lâm Đồng, Tiền Giang, Bến Tre,... Đáng chú ý, socola của Marou còn được nhắc đến trên nhiều tờ báo hàng đầu thế giới như The New York Times, Forbes... và thậm chí còn được bình chọn là loại socola ngon nhất thế giới.