Sóc Trăng: Đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng thương mại nông thôn
Từ xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng hạn chế, kinh tế kém phát triển nhưng với sự đoàn kết, vượt khó, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, sau 30 năm tái lập tỉnh, Sóc Trăng đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực.
Sóc Trăng: Đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng thương mại nông thôn |
Theo đó, cơ sở hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư, phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và trao đổi hàng hóa của nhân dân, góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất hàng hóa, kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo số liệu từ ngành Công Thương tỉnh Sóc Trăng, năm 2008, toàn tỉnh có 119 chợ, trong đó có 1 chợ loại I, 18 chợ loại II, 100 chợ loại III; 19 chợ thành thị và 100 chợ nông thôn được phân bổ theo quy mô gồm: 62 chợ tạm và 57 chợ kiên cố và bán kiên cố.
Đến năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 124 chợ gồm 40 chợ thành thị và 84 chợ nông thôn, trong đó có 82 chợ kiên cố và bán kiên cố, 38 chợ tạm, 1 chợ nổi, 1 chợ đêm, 2 chợ hạng 3 chưa xây dựng kiên cố, bán kiên cố. Cùng với đó, hệ thống siêu thị, cửa hàng bách hóa, trung tâm thương mại dần phát triển và ngày càng rầm rộ tại các địa phương trong tỉnh.
Hiện toàn tỉnh có 16 trung tâm thương mại, siêu thị; 72 cửa hàng tiện lợi (gồm 50 cửa hàng tổng hợp, 22 cửa hàng chuyên doanh). Chính sự xuất hiện và phát triển của chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi không chỉ người dân được hưởng lợi mà còn góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong và ngoài tỉnh, nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cho địa phương.
Tuy nhiên, hạ tầng thương mại của tỉnh phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiện nhiều chợ trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp, hoạt động không hiệu quả nhưng chưa được hỗ trợ đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa do thiếu nguồn vốn hoặc có doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp xúc, tạo sự đồng thuận với thương nhân tại chợ nên không chuyển đổi được mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý tại các chợ này.
Doanh nghiệp không mặn mà trong đầu tư chợ tại các xã vùng sâu, vùng xa vì vốn cao mà lợi nhuận và thu hồi vốn khó. Một số chợ được xây dựng mới, nâng cấp chưa đạt yêu cầu, thiếu các công trình phụ trợ: bãi đậu xe, khu tập trung rác thải, hệ thống thoát nước… hoặc một số chợ chưa phát huy tối đa hiệu quả khai thác khi đưa vào hoạt động.
Tình trạng chợ họp không đúng quy hoạch, tự phát, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè quanh khu vực chợ còn phổ biến, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các chợ trong quy hoạch, mỹ quan khu vực chợ, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông…
Hiện Sóc Trăng đang tiếp tục triển khai Đề án Phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, trong đó tập trung hỗ trợ các dự án nâng cấp, cải tạo chợ quá tải, chợ nằm trên địa bàn các xã được quy hoạch xã nông thôn mới; triển khai Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 25/4/2022 của UBND tỉnh về triển khai "Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo" trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu xây mới 13 chợ; cải tạo, nâng cấp 25 chợ; mở rộng 6 chợ, di dời, xây mới 5 chợ, chuyển đổi công năng 8 chợ, chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác, quản lý chợ từ ban quản lý, tổ quản lý sang doanh nghiệp, hợp tác xã 31 chợ.
Đồng thời, xây dựng Trung tâm trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh; tiếp tục triển khai Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 16/6/2021 về Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phân kỳ năm 2023.
Để hạ tầng thương mại tiếp tục phát triển và phát triển ngang tầm với tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới Sóc Trăng cần đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư, khai thác hệ thống chợ, chợ đầu mối, trung tâm thương mại... tại các đô thị và khu vực nông thôn theo quy hoạch; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển chợ trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh với các hình thức thanh toán linh hoạt; chú trọng phát triển thương mại điện tử.
Thực hiện các giải pháp trọng tâm về cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng chợ.
Quan tâm hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng chợ. Lồng ghép việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với các Chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cấp, cải tạo hạ tầng chợ nông thôn, trong đó ưu tiên khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để dần thay đổi diện mạo thương mại và rút ngắn khoảng cách với các chợ vùng trung tâm … góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.