CôngThương - Ủy ban Thường vụ Quốc Hội vừa cho ý kiến về Luật Căn cước công dân. Theo dự kiến của Bộ Công an, quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2015. Đối với CMND đã cấp trước ngày này mà vẫn còn thời hạn thì vẫn có giá trị sử dụng. Những nơi chưa có điều kiện cấp thẻ căn cước thì tiếp tục cấp đổi CMND theo quy định hiện hành.
Theo Bộ Công an thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Dự thảo Luật quy định nội dung thẻ Căn cước công dân phản ánh thông tin cơ bản về công dân phục vụ cho việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân nhưng vẫn bảo đảm giữ bí mật đời tư cá nhân.
Nếu như trước đây, số Chứng minh nhân dân sẽ thay đổi khi công dân thay đổi nơi thường trú từ tỉnh này sang tỉnh khác nên rất khó quản lý và có thể lặp lại ở người khác, thì nay dự thảo Luật quy định theo hướng số định danh cá nhân được sử dụng làm số thẻ Căn cước công dân; trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thì số thẻ Căn cước công dân vẫn giữ đúng theo số định danh cá nhân đã cấp.
Dự thảo Luật quy định theo hướng: Đối với thẻ của người dưới 15 tuổi thì hạn sử dụng là từ khi cấp đến khi người đó đủ 14 tuổi; đối với thẻ của người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi thì hạn sử dụng là 10 năm, kể từ ngày cấp; đối với thẻ của người từ đủ 25 tuổi đến dưới 70 tuổi thì hạn sử dụng là 15 năm, kể từ ngày cấp. Riêng đối với người từ 70 tuổi trở lên thì không xác định hạn sử dụng của thẻ.
Về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng trẻ dưới 14 tuổi nhận dạng chưa ổn định, chưa phải chịu trách nhiệm hình sự và các giao dịch đều cần cha mẹ vì vậy việc cấp thẻ riêng cho độ tuổi dưới 14 là chưa hợp lý. Do vậy, Thứ trưởng Bộ tư pháp nghiêng về việc làm giấy khai sinh cho trẻ mới sinh ra. “Đăng ký khai sinh là quyền của trẻ em được quy định trong pháp luật. Nếu cấp thẻ căn cước thay giấy khai sinh cho trẻ em lại phải thêm các thủ tục cấp thẻ tại cơ quan có thẩm quyền”, ông Tụng nói.
Đề cập đến vấn đề giấy khai sinh, trước đó, Bộ trưởng Bộ tư Pháp Hà Hùng Cường cho rằng, cần duy trì như hiện hành. Vì gấy khai sinh đã thành truyền thống, là gốc của mọi vấn đề liên quan đến thông tin cá nhân. Giấy khai sinh sẽ đi theo suốt đời người, đối với trẻ nhỏ nó như một loại giấy thông hành.
Chủ nhiệm ủy ban giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng cấp căn cước hay giấy khai sinh cho trẻ dưới 14 tuổi cũng chỉ là tên gọi mà thực chất nó là một. Ông Thi đề nghị trẻ em trước 15 tuổi nên gọi theo giấy khai sinh cho truyền thống.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, giấy khai sinh hiện nay kéo theo nhiều phức tạp như người dân phải làm đủ kiểu để bảo vệ, khi giao dịch hành chính thì phải đi in, đóng dấu… Vì vậy, bà Ngân đồng tình phương án khi chào đời công dân được cấp thẻ căn cước. “Khi sinh ra thủ tục này phải nói rõ giảm được bao nhiêu loại giấy tờ cá nhân, cung cấp rõ cho các đại biểu thấy”, bà Ngân nói.
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, nếu cả Luật hộ tịch và Luật căn cước công dân nếu được thông qua sẽ là môt bước đột phá trong quản lý dân cư. Cũng theo ông Lý nên cấp thẻ căn cước cho trẻ ngay từ khi mới ra đời để phù hợp với công ước quốc tế. Và khi có thẻ căn cước rồi thì giấy khai sinh không còn phù hợp.
Trước ý kiến trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn kết lại: Phần lớn ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình phương án Luật Căn cước công dân nên cấp cho trẻ ngay khi chào đời. Do vậy, ông Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo theo hướng trên để thẻ căn cước thay thế các giấy tờ khác.