CôngThương - Tiếp tục cấp giấy khai sinh
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hộ tịch của Ủy Ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày cho biết, hiện vẫn tồn tại song song hai luồng ý kiến khác nhau: Thứ nhất, tán thành việc tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như quy định hiện hành; thứ hai, bỏ quy định cấp giấy khai sinh mà thay bằng việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như quy định trong dự án luật Căn cước công dân.
UBTVQH đánh giá việc đăng ký khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận sự ra đời của một con người. Theo quy định pháp luật hiện hành, khi trẻ sinh ra được Nhà nước cấp giấy khai sinh ghi những thông tin cơ bản của trẻ em và giấy này là cơ sở pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác sau này trong quản lý nhà nước đối với công dân đó.
“Giấy khai sinh và việc cấp giấy khai sinh đã và đang được thực hiện thống nhất, ổn định từ nhiều năm nay, cơ bản không có vướng mắc” – Báo cáo của UBTVQH nêu rõ. Từ những phân tích này, UBTVQH tán thành đề nghị của Chính phủ tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh.
Trong phần thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm tán thành ý kiến của UBTVQH về nội dung nói trên. “Giấy khai sinh không có thời hạn, có giá trị suốt đời. Vì vậy việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi là tốn kém, không cần thiết”- đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám nói.
Nói về những trường hợp đặc biệt, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) lưu ý, dự thảo Luật cần có quy định cụ thể, rõ ràng đối với trường hợp trẻ sinh ra nhưng cha mẹ đã qua đời hoặc sử dụng công nghệ cao để thụ thai để tạo thuận lợi cho cán bộ hộ tịch và công dân.
Cần quy định nguyên tắc đặt tên cho trẻ khi sinh
Từ thực tế nhiều bậc cha, mẹ đã đặt cho con những cái tên “siêu độc”, “siêu lạ”, như: Cao Ki A, Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Tâm Nhân hay Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương…, không chỉ làm cho cán bộ hộ tịch “bối rối” mà còn gây khó khăn cho chính công dân đó khi làm thủ tục hành chính sau này. Đại biểu Nguyễn Thị Nhung (đoàn Khánh Hoà) đề nghị, dự thảo luật cần đưa ra nguyên tắc đặt tên cho trẻ khi sinh.
“Cần có nguyên tắc đặt tên và xác định họ cho phù hợp với phong tục, tập quán lâu nay, tránh tình trạng vì mong muốn của bố mẹ mà họ và dân tộc của con không phù hợp với phong tục, tập quán” – đại biểu Nhung nhấn mạnh.
Ở khía cạnh khác, “Đề nghị cần có quy định riêng về thời hạn đăng ký khai sinh cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn…” – đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đề nghị. Phân tích sâu hơn, đại biểu này cho biết, qua hoạt động giám sát, đại biểu ghi nhận ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, việc đăng ký khai sinh cho trẻ gặp nhiều khó khăn nên không ít trẻ dù đến tuổi đi học nhưng vẫn không có giấy khai sinh.
“Việc này gây khó khăn cho nhà trường, giáo viên vì phải vừa lo quản lý, vừa dạy tiếng phổ thông vừa làm đăng ký khai sinh cho các em” – đại biểu tỉnh Bình Phước nói.