SCTV hợp tác với K+ Saigontourist Group hỗ trợ phục vụ đội y tế tình nguyện tiếp sức TP. Hồ Chí Minh chống dịch Saigontourist tổ chức 8 tour tri ân lực lượng chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh |
Lập lờ đánh lận con đen
Phản ánh đến Báo Công Thương, ông Ngô Đạm, đại diện Công ty TNHH Truyền Hình Cáp Saigontourist (SCTV) cho biết, hiện nay có hàng loạt website đang giả mạo đơn vị này.
Đơn vị này đã nhiều lần yêu cầu chủ quản các website giả mạo chấm dứt các hoạt động, không được phép sử dụng logo, hình ảnh, thông tin có chứa tên SCTV… nhưng các website giả vẫn nghiễm nhiên hoạt động, bất chấp quy định pháp luật.
Thống kê của SCTV cho thấy, hiện có tổng 82 website giả mạo. Trong đó, 65 website đã ngưng hoạt động, 17 website vẫn đang hoạt động. Đáng chú ý, các trang giả mạo có tên miền “.vn” là 10 trang, tên miền quốc tế là 72 trang và hầu hết tên miền ở TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, v.v… đều có các website giả mạo SCTV.
“Đó là thống kê của chúng tôi tìm hiểu được, còn rất nhiều trang web giả mạo mà SCTV chưa nắm hết”, ông Ngô Đạm nói.
Một trong những website giả mạo thương hiệu của SCTV. |
Đơn vị này đã cung cấp cho phóng viên danh sách hàng loạt trang đang giả mạo SCTV như: http://sctv-hanoi.com.vn, https://sctvcab.com, https://lapdatinternet.net/lap-mang-internet-sctv-toan-quoc, https://sctvcab.wordpress.com....
Tìm hiểu nội dung tại trang https://lapdatinternet.net/lap-mang-internet-sctv-toan-quoc, trang này tự nhận là của SCTV, sử dụng logo và đưa các nội dung: “Chương trình khuyến mãi Internet SCTV TP.HCM tháng 6/2024”, “Internet 150Mbps chỉ còn170K/ Tháng”; “Combo Internet + truyền hình chỉ còn 200K/ tháng”; đồng thời kèm tổng đài tư vấn lắp đặt là số điện thoại: 0775.6xxxx9. Tuy nhiên, đây không phải là website của nhà mạng SCTV.
“Khi khách hàng liên hệ các trang đó và yêu cầu tư vấn lắp đặt nhà mạng SCTV thì khách hàng sẽ được tư vấn nhiều gói cước không đúng thực tế. Và khu vực đó không thể đăng ký hoặc nếu đăng ký được thì nhà mạng SCTV thường xuyên bị lỗi, gặp sự cố, tư vấn không đúng chính sách và chất lượng của SCTV. Đồng thời sẽ giới thiệu một nhà mạng khác và “vẽ” ra muôn vàn lý do để thuyết phục sử dụng”, đại diện SCTV chia sẻ.
Theo đơn vị này, nếu khi khách hàng chuyển hướng yêu cầu được bảo hành, bảo trì thì các trang này sẽ “quay xe” né trách nhiệm, đồng thời đưa số tổng đài SCTV, yêu cầu khách hàng gọi để được bảo hành.
Được biết, tại các website quảng cáo giả mạo nhà mạng SCTV này có một điểm chung là số điện thoại để cài đặt dịch vụ là một số cá nhân, tuy nhiên số điện thoại bảo hành dịch vụ SCTV lại là số chính chủ của tổng đài SCTV. Từ đó, khách hàng lầm tưởng các trang trên là trang web của SCTV.
Cần liên hệ tổng đài SCTV để có thông tin chính xác
Phòng pháp chế của Công ty TNHH Truyền Hình Cáp Saigontourist cũng đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại, lẫn email yêu cầu các chủ sở hữu những trang giả mạo như: “Không được xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại của SCTV để nhằm mục đích tạo website giả mạo, mạo danh thương hiệu SCTV gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng trong việc đăng ký sử dụng dịch vụ, giao dịch,... đồng thời không được đánh cắp dữ liệu, thông tin của khách hàng, lôi kéo, cạnh tranh không lành mạnh”. Tuy nhiên, chủ sở hữu các website giả này vẫn bất chấp, không gỡ bỏ các thông tin giả mạo nêu trên.
SCTV là một trong những kênh truyền hình uy tín tại Việt Nam. |
Theo SCTV, có những trang có thể tìm được địa chỉ email, số điện thoại đơn vị sở hữu. Nhưng nhiều website không tìm được thông tin của chủ sở hữu cũng như không gỡ bỏ thông tin vi phạm thì sẽ báo cáo vi phạm nhãn hiệu với Google.
Về vấn đề này, đơn vị đã phối hợp, gửi đơn đến cơ quan chức năng có thẩm quyền: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao… để xử lý các trang giả mạo.
Bên cạnh đó, không chỉ có tình trạng các website giả mạo mà có các trang đưa thông tin nhằm so sánh, hạ thấp nhà mạng SCTV, có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. “Các trang so sánh nhà mạng SCTV và các nhà mạng khác thiếu khách quan, quy chụp, đánh giá một chiều, đưa ra thông tin không chính xác về SCTV…”, ông Ngô Đạm nói.
Ông Ngô Đạm cho hay, khi tìm hiểu trên Google về lắp đặt mạng SCTV thì sẽ thấy rất nhiều website giả mạo, hoặc thậm chí trong tên miền có chữ SCTV. “Các trang đó bỏ tiền chạy quảng cáo trên Google rất mạnh nên khi người tìm kiếm chỉ cần gõ từ khoá về cài đặt, lắp truyền hình SCTV thì sẽ hiện ra rất nhiều website giả mạo”, ông Ngô Đạm thông tin.
Thời gian gần đây, SCTV cũng nhận được nhiều đơn tố cáo của khách hàng về việc các trang website giả mạo. Trước đó, Trung tâm Chăm sóc Khách hàng của SCTV cũng đã tiếp nhận nhiều thông tin từ khách hàng và một số chi nhánh về việc có nhiều đối tượng giả danh nhân viên công ty để thực hiện hành vi lừa đảo. Điển hình là các trường hợp gọi tới báo tin trúng giải một chương trình khuyến mãi của SCTV và đề nghị làm một số thủ tục để nhận giải thưởng.
“Hiện nay, xuất hiện nhiều website giả mạo công ty, quý khách hàng lưu ý, nếu có nhu cầu liên hệ với SCTV thì đề nghị liên hệ đến số hotline 19001878 hoặc theo thông tin tại các website chính thức của SCTV ở trên để được cung cấp thông tin cụ thể, chính xác về dịch vụ SCTV”, đơn vị này gửi thông báo đến khách hàng.
SCTV chỉ có các website chính thức sau: 1. https://www.sctv.com.vn/ 2. https://tv24.vn/ 3. https://www.sctv.vn/ 4. https://www.sctvonline.vn/ 5. https://scjmall.vn/ 6. https://www.nhipsonghomnay.vn/ 7. https://www.songdongtunggiay.vn/ 8. https://chuyennong24h.vn |