Sau 10 lần tăng, giá thức ăn chăn nuôi còn leo thang đến đâu?
Ngày 18/3, tại hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ tháng 10/2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, tới hơn 10 lần tăng. Đặc biệt, xung đột Nga - Ukraine đang tiếp tục đẩy giá thức ăn chăn nuôi lập kỷ lục mới.
Theo ông Chinh, nếu so với cùng kỳ tháng 3/2021, giá nhiều loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện đều tăng ở mức rất cao, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc. Cụ thể, giá ngô hạt là 10.200 đồng/kg (tăng 29,3%), khô dầu đậu tương 16.500 đồng/kg (tăng 33,4%), bã ngô 10.300 đồng/kg (tăng 23,1%) và lúa mì 9.850 đồng/kg (tăng 49,5%).
Điều này đẩy giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đồng loạt tăng mạnh. Nếu so với cùng kỳ năm 2021, giá thức ăn cho lợn thịt xuất chuồng là 12.500 đồng/kg (tăng 18,4%), thức ăn cho gà thịt lông màu 13.400 đồng/kg (tăng 24,5%) và thức ăn cho gà thịt lông trắng 14.100 đồng/kg (tăng 29,8%).
“Chi phí thức ăn chăn nuôi hiện chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi. Việc giá thức ăn tăng cao khiến người chăn nuôi và nhiều trang trại thua lỗ , ảnh hưởng không nhỏ đến việc phục hồi hoạt động chăn nuôi sau dịch COVID-19”, ông Chinh chia sẻ.
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, xung đột Nga - Ukraine sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khi Nga là quốc gia cung cấp nhiều loại ngũ cốc chính cho thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của thế giới.
“Dự báo giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao và sẽ còn tăng đến hết năm 2022. Hiện nay, giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8 là ngô khoảng 11.000 đồng/kg, khô dầu đậu tương trên 17.000 đồng/kg”, ông Chinh nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước việc giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục duy trì ở mức cao, bộ đang đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi lợn, gia cầm (tận dụng các loại phụ phẩm trồng trọt, ngô sinh khối, cỏ, giảm tiêu thụ ngô, khô dầu các loại)…
Ông Tiến khuyến cáo các doanh nghiệp đã nhập khẩu nguyên liệu từ sớm chưa vội tăng giá trong thời điểm này để hỗ trợ người chăn nuôi. Các địa phương tăng cường sử dụng nguyên liệu sẵn để thay thế nguyên liệu nhập khẩu, giảm giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi.