Thứ bảy 10/05/2025 02:32

Sáp nhập tỉnh: Thách thức lớn nhất vẫn ở con người

PGS. TS. Lê Văn Chiến - Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công cho rằng, thách thức lớn nhất trong quá trình sáp nhập tỉnh nằm ở yếu tố con người.

Thay đổi là tất yếu

PGS. TS. Lê Văn Chiến cũng nhấn mạnh, phân cấp bao giờ cũng kèm phân quyền và đó là 2 thứ luôn đi liền với nhau.

Hiện Việt Nam có chính quyền 4 cấp, bao gồm: Trung ương - tỉnh - huyện - xã, mỗi cấp đều có cơ quan hành pháp. Về phân quyền, pháp luật Việt Nam có phân quyền giữa các cấp. Cấp Trung ương và cấp tỉnh hoạch định chính sách, cấp huyện, xã thực thi chính sách. “Đương nhiên cấp trung ương và tỉnh cũng thực thi chính sách”, PGS. TS. Lê Văn Chiến cho hay.

PGS. TS. Lê Văn Chiến - Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Ảnh: Chính Phong

Theo lãnh đạo Viện Lãnh đạo học và Chính sách công (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), mô hình này được giữ ở Việt Nam từ những ngày đầu lập nước nhưng tuỳ từng thời kỳ khác nhau với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khác nhau có cải cách và với tần suất khoảng 20 năm cơ cấu lại một lần.

Đáng nói, xu hướng chung là phân cấp, phân quyền từ Trung ương đến địa phương ngày một mạnh. Nếu như trước đổi mới mô hình của Việt Nam là tập quyền, cấp Trung ương giữ phần lớn quyền ra quyết định thì càng về những năm sau đổi mới chính quyền cấp dưới được phân nhiều quyền ra quyết định hơn và ngày càng huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội.

Xu hướng phân cấp, theo PGS. TS. Lê Văn Chiến cũng có thể thấy rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, từ Hiến pháp năm 2013 quy định rõ nhiệm vụ của từng cấp. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Ngân sách cũng quy định các cấp được giữ lại và được chi tiêu thế nào…

Việc phân cấp của Việt Nam thể hiện qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nhưng diễn ra theo xu hướng dân chủ hoá, các cấp dưới ngày càng được phân nhiều quyền quyết định hơn”, PGS. TS. Lê Văn Chiến một lần nữa nhấn mạnh.

Hệ thống này trong những năm đổi mới đã tạo được nhiều kết quả không những được nhân dân mà cả thế giới ghi nhận khi cải cách hành chính diễn ra ngày một mạnh mẽ. Cùng đó là tăng trưởng kinh tế nhanh trong thời gian dài, xoá đói giảm nghèo, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường…

Bối cảnh hiện nay đã thay đổi cùng với tác động từ Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số ra đời, hệ thống cơ sở hạ tầng cải thiện nhanh... do đó mô hình 4 cấp còn cồng kềnh, chồng chéo và không thúc đẩy phát triển”, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách đánh giá. Ông đồng thời thông tin, Việt Nam đang hướng đến mô hình chính quyền 3 cấp Trung ương - tỉnh - cấp cơ sở (cấp xã) nhưng mô hình cấp xã sẽ có thay đổi không giống như hiện có.

Qua phân tích của PGS. TS. Lê Văn Chiến có thể thấy chủ trương sáp nhập tỉnh hay thay đổi mô hình hành chính công của Đảng hiện nay không phải đầu tiên cũng không phải duy nhất. Mỗi thời kỳ, mỗi điều kiện phát triển đều có thể thay đổi để phù hợp với xu thế. Nhìn lại lịch sử phát triển của đất nước cả trên bình diện xã hội và kinh tế đều có thể thấy sự thay đổi đã mang lại hiệu quả tích cực, đưa đất nước phát triển.

Như nhiều chuyên gia đã chia sẻ, việc thu gọn bộ máy hành chính, lợi ích đầu tiên có thể thấy là giúp giảm chi cho bộ máy hành chính. Mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam muốn trở thành quốc gia phát triển đòi hỏi bộ máy nhà nước phải tinh - gọn- hiệu năng- hiệu lực- hiệu quả.

Có thuận lợi thì cũng có thách thức, theo PGS. TS. Lê Văn Chiến, thách thức lớn nhất trong quá trình cải cách bộ máy hành chính lần này là ý thức, tư tưởng, thói quen của đội ngũ cán bộ, công chức.

Những lo ngại làm thế nào để hoạt động trong cơ cấu chính quyền mới, sự thay đổi không chỉ tác động đến công việc hàng ngày, mà còn tác động đến tâm lý, nhiều người sẽ lo về công việc, chức vụ và quyền lợi trong bộ máy hành chính mới. Đây là một rào cản lớn đối với việc triển khai các quyết sách sáp nhập tỉnh.

Sức mạnh từ sự đồng thuận

Cũng nhấn mạnh vai trò của con người trong công cuộc cải cách bộ máy hành chính, NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Văn Hậu - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam nêu, tại Việt Nam, hệ thống chính trị hiện tại có khoảng 2,1 triệu cán bộ, công chức và viên chức, người lao động. Đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các chính sách và quyết sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, để thực hiện thành công các chính sách cải cách, đặc biệt là sáp nhập tỉnh, thành đội ngũ này cần phải thay đổi nhận thức và hành động theo một tầm nhìn mới.

Con người được xác định là thách thức lớn trong quá trình sáp nhập tỉnh, thành hay thay đổi mô hình tổ chức hành chính công. Ảnh minh hoạ

NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh rằng, việc thay đổi không phải chỉ từ cấp lãnh đạo mà còn phải từ những người cán bộ trong hệ thống hành chính. Điều này đòi hỏi sự hy sinh, nhường nhịn và cam kết trong phục vụ lợi ích chung của đất nước, của nhân dân. Tất cả phải hiểu rằng cải cách bộ máy hành chính là một phần của cuộc cách mạng, hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên tự lực, tự cường của dân tộc.

Để vượt qua những rào cản, bao gồm cả nhận thức để thành công trong cải cách hành chính lần này, theo lãnh đạo Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam có 4 yếu tố cần làm.

Đầu tiên, người Việt Nam ứng xử với nhau dựa trên yêu và ghét, đó là khó khăn vì bước vào công vụ phải là đúng - sai, công - tội chứ không có yêu - ghét. Nhưng xét ở một khía cạnh khác, khi những khi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Việt Nam hiểu được lợi ích của thay đổi, sự tốt đẹp của kỷ nguyên vươn mình, của cách mạng tinh gọn trong tâm thức lại “yêu” và sẵn sàng hy sinh về điều đó.

Thứ hai, phải tạo đồng tâm - đồng trí - đồng lòng. Khi có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, trong mọi ví trí lao động cải cách sẽ thành công.

Thứ ba, công nghệ số chính là một công cụ quan trọng để thực hiện việc cải cách bộ máy hành chính. Chuyển đổi số không chỉ giúp tinh gọn bộ máy mà còn giảm bớt chi phí, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chính sách mới.

Công nghệ số giúp kết nối các cơ quan, đơn vị, đồng thời tạo ra sự minh bạch và công khai trong việc triển khai các chương trình, dự án. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả công việc mà còn giúp giảm thiểu sự chồng chéo, cồng kềnh trong quản lý hành chính. Cùng với đó, chuyển đổi số còn giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào số lượng cán bộ, công chức, từ đó giảm chi phí cho bộ máy nhà nước.

Và cuối cùng, cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, lan toả những thông điệp tốt đẹp từ công cuộc cải cách này mạnh mẽ hơn để nhận được sự thấu hiểu, ủng hộ của nhân dân trong nước và quốc tế.

NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Văn Hậu - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam: Khi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động luôn giữ tâm thức 2 không (không vì lợi ích cá nhân, không động cơ, không lợi tiêu cực; không để thất thoát và lãng phí), 3 có (có lợi cho đất nước, quốc gia dân tộc; có lợi cho dân; có lợi cho xã hội, các tổ chức và doanh nghiệp), 4 giảm (giảm thời gian; giảm giấy tờ; giảm chi phí; giảm con người trong bộ máy) sẽ vượt qua rào cản thói quen và cách mạng cải cách thành công.

Hải Linh
Bài viết cùng chủ đề: Sáp nhập tỉnh

Tin cùng chuyên mục

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng: Nên hay không?

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị thúc đẩy thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ

Đạo luật mới tạo hành lang xây dựng Chiến lược nghiên cứu và phát triển AI quốc gia

Thông tin mới nhất về sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung: Chưa đủ cơ sở khoa học để quy kết nước ngọt gây béo phì

Đại biểu Lê Hoàng Anh: Chính sách thuế nước ngọt phải đủ mạnh để không đánh đổi bằng sinh mệnh

Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm gian lận xuất xứ, ép giá nông sản

Rượu, bia, thuốc lá được đề xuất tăng thuế từ năm 2027

TRỰC TIẾP: Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng tại Nga

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Thủ tướng Nga: Đẩy mạnh hợp tác năng lượng, dầu khí, hạt nhân

Sửa Luật Quy hoạch: Cấp tỉnh sẽ làm quy hoạch thế nào?

Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Minh bạch để Việt Nam không lọt ‘sách Đen FATF’

Tổng Bí thư Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm chính thức Liên bang Nga

Chủ tịch nước Lương Cường trao quyết định bổ nhiệm 3 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước

Khánh thành Phòng lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Dầu khí Việt Nam - Azerbaijan

Hoạt động ngoại giao của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long tại Kazakhstan

Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Azerbaijan trong lĩnh vực năng lượng, khai khoáng

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Sẽ có ưu đãi riêng cho Trung tâm Tài chính quốc tế

Luật Hóa chất (sửa đổi): Thêm cơ chế ứng phó sự cố trên biển

Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam - Azerbaijan đẩy mạnh hợp tác năng lượng, dầu khí