Sản xuất theo chuỗi giá trị: Mô hình cần được nhân rộng
Dù được thành lập chưa lâu (năm 2020) nhưng Hợp tác xã (HTX) Dưa leo quê Lục Nam không chỉ giúp người dân ở xã miền núi Đông Phú (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) thoát cảnh "được mùa, rớt giá" mà nhiều người dân ở địa phương lân cận cũng có thêm thu nhập.
Lãnh đạo UBND xã Cấm Sơn và Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn kiểm tra mô hình trồng dưa chuột lai tại thôn Bến. Ảnh: Vũ Đoàn |
Mỗi năm, HTX Dưa leo quê Lục Nam tiêu thụ khoảng 7 nghìn tấn nông sản, chủ yếu là dưa leo, khoai tây, khoai sọ, hành... cho người dân trong xã Đông Phú và các địa phương lân cận. Lãnh đạo UBND xã Đông Phú cho hay, từ khi được thành lập đến nay, HTX Dưa leo quê Lục Nam đứng ra tiêu thụ phần lớn sản phẩm cho người dân trong xã. Nhờ đó, tình trạng "được mùa, rớt giá" đã không còn, đời sống người dân được nâng cao.
Tương tự, từ năm 2018, HTX Nhung Lũy đã liên kết với 248 hộ dân tại bản Váng (xã Địa Linh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) cùng sản xuất bí xanh thơm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bao tiêu đưa sản phẩm ra thị trường.
Chị Hoàng Thị Đồ - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ bản Váng - cho biết: Vụ mùa năm 2022, gia đình chị trồng 3.500m2 bí xanh thơm, sản lượng đạt 3 tấn quả/1.000m2. Toàn bộ bí xanh thơm của gia đình đã được HTX Nhung Lũy bao tiêu nên rất yên tâm về đầu ra. Bình quân mỗi năm, thu nhập từ trồng bí xanh thơm của gia đình chị thu về được 50 - 60 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Giờ đây, không chỉ gia đình chị Đồ mà toàn bộ bà con dân tộc Tày tại bản Váng đã thay đổi cuộc sống nhờ cây bí xanh thơm và hợp tác với HTX Nhung Lũy trong trồng, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm...
Nhờ hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nhiều tỉnh, thành phố, nhất là khu vực miền núi, đã hình thành các vùng sản xuất lớn, thay đổi tư duy canh tác nhỏ lẻ; hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp.
Với doanh nghiệp, khi tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng giúp giảm chi phí đầu tư đất đai, nhà xưởng, máy móc nên rút ngắn được thời gian hoàn vốn. Thông qua liên kết hợp đồng, doanh nghiệp còn kiểm soát được toàn bộ quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm thu mua, giảm chi phí giao dịch, có nguồn cung ổn định và gián tiếp sử dụng lao động nông hộ mà không phải mất chi phí cho lao động. Với nông hộ, sẽ bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, giảm rủi ro về giá cả, do đã được định sẵn từ đầu vụ.
Theo các chuyên gia kinh tế, hình thức kinh tế tập thể này nếu phát triển đúng hướng sẽ là yếu tố, động lực cơ bản để xây dựng nông thôn mới, từ đó đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất trên mọi phương diện cho nông dân. Tuy nhiên, việc hình thành sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị hiện cũng gặp một số khó khăn. Do đó, Nhà nước, địa phương cần hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phát triển các sản phẩm đặc sản hoặc đặc thù; đảm bảo cơ chế trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông hộ.
Bên cạnh đó, khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, HTX để thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tạo thuận lợi hành lang pháp lý để tăng cường thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn có ý nghĩa quyết định để xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị, bởi doanh nghiệp là “đầu tàu” để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm, xây dựng thương hiệusản phẩm nông sản…