Sản xuất phân bón: Sẽ quản lý chặt
Sản phẩm phân bón của Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao
- Nghị định cũ “lỗi thời”
Bà Nguyễn Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - cho biết: Hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón được trực tiếp điều chỉnh bởi Nghị định số 113/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, sản xuất, kinh doanh phân bón và Nghị định số 191/2007/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2003/NĐ-CP.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, 2 nghị định này đã xuất hiện rất nhiều hạn chế. Thứ nhất, về điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón. Hiện cả nước có trên 500 đơn vị sản xuất và trên, dưới 30.000 đơn vị kinh doanh phân bón, trong khi đó phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Nhiều cơ sở nhỏ lẻ chưa có đủ các điều kiện cần thiết, làm ra mặt hàng kém chất lượng nhưng vẫn được tham gia sản xuất, kinh doanh. Thứ hai, về thủ tục khảo nghiệm, công nhận và lập danh mục phân bón. Để có tên trong danh mục phân bón, các doanh nghiệp (DN) cần phải qua 13 thủ tục hành chính khác nhau. Điều này vừa gây tốn kém cho DN, vừa gây khó khăn cho việc tra cứu bởi có đến trên 5.000 loại phân bón có trong danh mục. Thứ ba, vấn đề quản lý nhà nước. ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thừa nhận, việc quản lý chất lượng phân bón vẫn còn chồng chéo giữa hai Bộ: NN&PTNT và Công Thương, chưa phân định rõ Bộ nào chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ về việc này.
Ông Đỗ Thanh Lam- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương): 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 258 vụ vi phạm về sản xuất và kinh doanh phân bón với tổng số tiền thu phạt xấp xỉ 4 tỷ đồng. |
Chấm dứt tình trạng sản suất tràn lan
Từ thực tế trên, bà Nguyễn Kim Liên nhận định, việc xây dựng và ban hành nghị định mới về quản lý phân bón thay thế 2 nghị định trên là hết sức cần thiết. Hiện Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo Nghị định phân bón và chuyển Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo này được cho là có nhiều thay đổi phù hợp với thực tế như phân định rạch ròi về phân công trách nhiệm trong quản lý mặt hàng này. Cụ thể, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phân bón và trực tiếp quản lý mảng phân bón vô cơ. Bộ NN&PTNT thực hiện quản lý nhà nước về phân bón hữu cơ và phân bón khác.
Việc sản xuất, kinh doanh phân bón cũng được quy định là mặt hàng có điều kiện, chấm dứt tình trạng sản xuất tràn lan như hiện nay. Cả hai Bộ cùng thống nhất quy định về cấp giấy phép sản xuất phân bón, giúp loại bỏ được những đơn vị yếu kém, không đủ điều kiện sản xuất. Chia sẻ thêm về “bức xúc” này, ông Nguyễn Duy Khuyến - Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao - nói: Cần có quy định cụ thể, bắt buộc các DN sản xuất phân bón phải có phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia. Chỉ riêng biện pháp này đã loại được hầu hết những nhà sản xuất phân bón không đạt chuẩn.
Một thay đổi lớn nữa trong nghị định mới về khảo nghiệm phân bón đó là: Các DN có phân bón tự khảo nghiệm theo quy phạm khảo nghiệm do Bộ NN&PTNT ban hành và tự chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm. Không thành lập hội đồng công nhận và bỏ quy định về danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam. Đây là thay đổi rất cơ bản, giúp DN loại bỏ được hẳn 13 thủ tục hành chính không cần thiết trước kia.
Được biết, nghị định đã Bộ Tư pháp thẩm định và Bộ Công Thương dự kiến trình Chính phủ ban hành vào tháng 9/2013.
Nguyễn Duyên