Sản xuất công nghiệp bền vững nhìn từ Khu công nghiệp DEEP C
Sản xuất bền vững qua mô hình khu công nghiệp sinh thái
Theo các chuyên gia, thực trạng hoạt động sản xuất công nghiệp tại Việt Nam đang đặt ra 2 vấn đề về rác thải, gồm rác thải là tài nguyên và rác thải ô nhiễm. Để giải bài toán về rác thải từ các khu công nghiệp, cần phải thay đổi tư duy và nhận thức, coi chất thải là tài nguyên để xây dựng cơ chế tổng thể, nằm trong phương thức kinh tế tuần hoàn.
Khu công nghiệp DEEP C là mô hình kiểu mẫu trong sản xuất công nghiệp xanh, bền vững (Ảnh:Thu Hường) |
Do vậy, việc xây dựng các khu công nghiệp sinh thái được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Giám đốc Phát triển bền vững, Công ty CP Khu công nghiệp Đình Vũ (DEEP C) Diệp Thị Kim Hoàn dẫn chứng, nhờ phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Khu công nghiệp DEEP C đã mang lại các lợi ích về môi trường khi mỗi năm tiết kiệm năng lượng là 5.760.000 kWh; 89.700 m3 nước…
Cũng nhờ phát triển khu công nghiệp sinh thái nên DEEP C nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, thu hút nhà đầu tư, khách hàng và đối tác có ý thức bảo vệ môi trường.
Theo bà Kim Hoàn, ở khu xử lý nước thải tập trung cho DEEP C Hải Phòng I và II công suất 6.000 m3 có thể mở rộng gấp đôi, robot lấy nước tưới tiêu cho vườn ươm cung cấp cây xanh cho toàn khu công nghiệp. Tại nhà máy xử lý nước thải đạt chuẩn ISO 9001 và ISO 14001 này, nước thải được thu gom từ nhà máy khách hàng, xử lý theo quy trình nghiêm ngặt để đạt tiêu chuẩn trả lại môi trường.
Vườn ươm cây xanh sử dụng robot lấy nước tưới tiêu cung cấp cây xanh cho toàn khu công nghiệp (Ảnh: DEEP C ) |
Bà Lê Thị Thanh Thảo, Đại diện Quốc gia UNIDO cho rằng: Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên và các chính sách ưu đãi về thuế đã dần tới hạn; phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số đang trở thành xu thế chủ đạo, tất yếu của các quốc gia; việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế như mô hình khu công nghiệp sinh thái là hoàn toàn phù hợp. Điều này cũng góp phần cụ thể hóa Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050 cũng như thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Tái chế chất thải, sử dụng năng lượng sạch
Để giảm rác thải, năm 2019, DEEP C đã hợp tác cùng Dow Chemical xây dựng con đường từ nhựa tái chế đầu tiên tại Việt Nam với chiều dài 1,4 km.
Sở dĩ DEEP C triển khai con đường tái chế như trên vì biết rằng Việt Nam hiện là một trong những nước thải ra nhiều rác thải nhựa. Dự án này nhằm đem đến một hướng đi mới cho các loại bao bì nhựa đã qua sử dụng, thay vì bị vứt đi hoặc chôn trong các bãi chôn lấp rác.
DEEP C đã hợp tác cùng Dow Chemical xây dựng con đường từ nhựa tái chế đầu tiên tại Việt Nam với chiều dài 1,4 km (Ảnh minh họa: Thu Hường) |
Ngoài các hoạt động trên, DEEP C cũng là khu công nghiệp chú ý đến sử dụng năng lượng tái tạo để hướng tới sản xuất bền vững. DEEP C đã đa dạng hóa các nguồn cung cấp điện của mình bằng việc sử dụng năng lượng mặt trời, điện gió và điện từ việc xử lý rác.
Từ đầu năm 2020, tấm pin năng lượng mặt trời đã được lắp đặt và đưa vào hoạt động tại DEEP C với công suất phát điện 2,15 MWp trên mái nhà xưởng rộng 20.000m vuông trong khu vực DEEP C Hải Phòng I. Đến 2023, DEEP C đã lắp đặt trên 20MWp tấm pin năng lượng mặt trời.
Tại DEEPC, nhiều dự án được thực thi như hệ thống pin năng lượng mặt trời trên các khu đất trống, chuyển hóa chất thải thành năng lượng, lưu trữ và sản xuất năng lượng tái tạo; mở rộng nghiên cứu lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên bãi rác Đình Vũ nhằm giảm thiểu tác động môi trường…
Bên cạnh năng lượng mặt trời, turbine điện gió đầu tiên tại một khu công nghiệp ở khu vực phía Bắc với đầu tư 10 triệu đô la Mỹ đã được lắp đặt tại DEEP C Hải Phòng II vào cuối năm 2021, biến năng lượng gió thành điện năng với công suất 2,3 MW. DEEP C là một trong những khu công nghiệp hiếm hoi tại Việt Nam sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ gió cho sản xuất công nghiệp.
Giống như năng lượng mặt trời, nguồn điện từ năng lượng gió sẽ được cấp trực tiếp vào lưới điện nội bộ của DEEP C và đươc tiêu thụ vào việc vận hành máy móc tại các nhà máy tại khu công nghiệp này… Các sáng kiến khác như dự án thiết lập hệ thống năng lượng mặt trời trên các khu đất trống, chuyển hóa các chất thải thành năng lượng, lưu trữ và sản xuất năng lượng tái tạo cũng đang được triển khai tại DEEP C.
Trước đây, giống như hầu hết các khu công nghiệp ở Việt Nam, nguồn điện của DEEP C được cung cấp toàn bộ từ lưới điện Quốc gia. Song với khả năng tự tạo ra điện từ các nguồn điện năng lượng tái tạo, DEEP C đang dần trở nên chủ động hơn, từ đó giảm thiểu các vấn đề liên quan đến nguồn điện.
Dự kiến đến năm 2030, DEEP C sẽ tự chủ 50% nhu cầu điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo.