Đến thời điểm này đã có gần 10 ngân hàng thương mại công bố kết quả kinh doanh năm 2019. Và, đa số ngân hàng đều đưa ra con số tăng trưởng rất ấn tượng với mức lợi nhuận đạt cao.
Lợi nhuận của nhiều ngân hàng tăng mạnh |
Đua nhau báo lãi "khủng"
Khác với năm trước, lợi nhuận trước thuế của VietinBank chỉ đạt 6.800 tỷ đồng nhưng năm vừa qua lợi nhuận riêng lẻ đã đạt gần 11.500 tỷ đồng, tăng trên 26% so với kế hoạch và tăng 83% so với năm 2018, vượt cao hơn ước tính của các nhà đầu tư rất nhiều. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này cũng được kiểm soát ở mức thấp, dưới 1,2% (so với 1,59% cuối 2018).
Con số lợi nhuận này gây bất ngờ bởi trong năm vừa qua VietinBank luôn trong trình trạng “xin tăng vốn” và không rộng cửa cho vay như các ngân hàng khác, chính vì vậy tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 7,2%.
Vietcombank thì không gây bất ngờ với thị trường vì năm 2018 lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đã đạt trên 18.000 tỷ đồng, dẫn đầu trong các ngân hàng và năm 2019 nhà băng này vẫn tiếp tục giữ vị trí quán quân.
Theo tiết lộ mới đây của Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Vietcombank đạt khoảng 23.130 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) và trở thành một trong 2 doanh nghiệp niêm yết có mức lợi nhuận lớn nhất trên thị trường.
Với quy mô đó, lợi nhuận của Vietcombank đã chính thức cán mốc 1 tỷ USD, sớm trước 1 năm so với dự kiến mà lãnh đạo ngân hàng này đề cập hồi đầu năm 2019. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hệ thống ngân hàng Việt Nam có thành viên đạt mốc 1 tỷ USD lợi nhuận.
Mặc dù Agribank không công bố con số chính thức nhưng trước đó, ngân hàng cũng bất ngờ báo lãi khủng gần 12.000 tỷ đồng trong 11 tháng. Chắc chắn kết thúc năm 2019 con số này sẽ tiếp tục tăng thêm.
Tương tự, Techcombank cũng là ngân hàng có nhiều bứt phá trong 3 năm trở lại đây, năm 2019 ngân hàng này cũng đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 11.750 tỷ đồng.
Sự bứt phá của VietinBank, Agribank, Vietcombank là ấn tượng. Việc Agribank thông báo lãi khủng sau nhiều năm ảm đạm hay Vietinbank báo lãi tăng 83% so với năm trước lên mức tương đương 500 triệu USD là bất ngờ với nhiều người.
Bên cạnh các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước thì một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng đã công bố với kết quả rất ấn tượng. Mới đây, TPBank phát đi thông tin cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt trên 3.868 tỷ đồng, tăng 1.610 tỷ đồng tương đương 71,3% so với năm trước và vượt hơn 21% so với kế hoạch đề ra. Đây là con số lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay ở nhà băng này.
Tiếp đến là OCB, lợi nhuận trước thuế năm 2019 của ngân hàng đạt hơn 3.200 tỷ đồng, tăng gần 1,5 lần so với năm 2018. Đây là mức tăng kỷ lục của ngân hàng này kể từ khi thành lập tới nay. Sacombank cũng cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2019 của ngân hàng này khoảng 3.180 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết với Đại hội đồng cổ đông.
Đặc biệt, SeABankvừa công bố nhà băng này đã hoàn thành vượt tất cả chỉ tiêu kinh doanh đã đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông hồi đầu năm 2019 với mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.390 tỷ đồng, tăng 768,26 tỷ đồng tương đương tăng 123,4%. Đây cũng là mức cao nhất của ngân hàng này từ trước tới nay.
Một số ngân hàng khác chưa công bố nhưng theo tìm hiểu của phóng viên kết quả cũng rất khả quan như VPBank dự kiến lợi nhuận vượt 10% so với kế hoạch, đạt khoảng 10.400 tỷ đồng; VIB đạt khoảng hơn 4.000 tỷ đồng; HDBank đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm 2018; LienVietPostBank cũng vượt 2.000 tỷ đồng…
VietinBank đã có sự bứt phá trong năm 2019 |
Lợi nhuận đến từ đâu?
Mặc dù trong năm 2019, Vietcombank đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay, trong đó 2 lần giảm lãi suất đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và 1 lần giảm đồng loạt 0,5% lãi suất của các doanh nghiệp cho tất cả các khoản dư nợ hiện hành và là ngân hàng có mức giảm lãi suất sâu nhất, rộng nhất trong các tổ chức tín dụng Việt Nam nhưng ngân hàng này vẫn “thu hoạch” được con số lợi nhuận khủng.
Cụ thể, nếu như năm 2018 lợi nhuận của thành viên dẫn đầu hệ thống này có đóng góp đáng kể từ thu nhập bất thường, với những thương vụ thoái vốn, thì năm 2019 ghi nhận tập trung hơn từ các lõi kinh doanh.
Bên cạnh đó, tín dụng bán lẻ - phân khúc cho hiệu quả sinh lời cao hơn - tiếp tục cho thấy hướng dịch chuyển mạnh, khi tỷ trọng khoảng 46% trong năm 2018 đã lên tới 52% năm 2019. Ngoài ra, năm 2019 một yếau tố có đóng góp đáng kể vào kỷ lục lợi nhuận Vietcombank là sự dịch chuyển nguồn sang đầu tư kênh trái phiếu các tổ chức tín dụng, ước tính số dư ở đây gần gấp đôi năm 2018, đạt khoảng 53.000 tỷ đồng với biên lợi nhuận cao hơn so với kênh liên ngân hàng để tăng hiệu quả sử dụng vốn.
Để có được kết quả trên, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, năm 2019, VietinBank rất chủ động tích cực trong việc triển khai phương án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu và chính thông qua việc tái cấu trúc để phân bổ lại các nguồn lực cũng như triển khai các hoạt động gắn với chủ điểm tạo ra hiệu quả.
“VietinBank đang phải rất nỗ lực để tăng vốn điều lệ bởi vì chỉ có như vậy mới có thể giúp ngân hàng có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Điều đó cho thấy nhưng mục tiêu của tái cơ cấu là hoàn toàn chính xác và đang mang lại những kết quả tích cực,” ông Thọ chia sẻ.
Lãnh đạo một số ngân hàng khác cũng cho biết, mở rộng cho vay khách hàng và giảm tỷ lệ trích lập dự phòng, nỗ lực đẩy mạnh thu hồi và xử lý nợ xấu, tăng nguồn thu từ dịch vụ, tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung vào các kênh bán hàng số hóa,... đã giúp các ngân hàng có cú bứt phá ngoạn mục vào cuối năm.
Điển hình là một số ngân hàng đã tất toán trước hạn nợ xấu tại VAMC như Agribank đã hoàn thành việc mua lại trước hạn 100% các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Đến nay, kết quả thu hồi và xử lý nợ xấu của Agribank đạt gần 110.000 tỷ đồng.
Tương tự gày 24/12/2019, VPBank đã hoàn thành xong việc mua lại toàn bộ dư nợ trái phiếu đặc biệt tại VAMC là hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó, ngân hàng chỉ phải trích lập hơn 1.400 tỷ đồng để xử lý số dư nợ trái phiếu tại VAMC nói trên, tương đương khoảng 45%. Tỷ lệ này được đánh giá gần như tốt nhất trong số các ngân hàng đã hoàn tất xử lý nợ xấu tại VAMC.
SeABank cũng trở thành ngân hàng thứ 11 hoàn tất xử lý dứt điểm trái phiếu đặc biệt tại VAMC. Tổng giá trị trái phiếu đặc biệt được SeABank mua lại là 3.539 tỷ đồng. Sau khi tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt, SeABank không phải trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC kể từ ngày 1/1/2020.
Các chuyên gia nhận định, trong năm 2020 này một số tổ chức tín dụng sẽ tập trung tăng vốn, mở rộng cho vay qua đó góp phần gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu những ngân hàng nào không đáp ứng được vốn theo quy định của Thông tư 41 có thể sẽ bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.