Sắc màu thổ cẩm
Xuất phát từ nhu cầu giải quyết vấn đề may mặc trong từng gia đình, hơn thế nữa là nhu cầu làm đẹp cho từng cá nhân và cộng đồng nên nghề dệt thổ cẩm được bà con dân tộc thiểu số quan tâm bảo tồn, trở thành tập quán tốt đẹp trong đời sống của người dân. Trải qua bao thăng trầm, cho đến nay, nghề dệt thổ cẩm vẫn tiếp tục được duy trì. Mỗi một cộng đồng dân tộc lại có kỹ thuật sản xuất thổ cẩm và phong cách thiết kế hoa văn, họa tiết riêng cho từng sản phẩm của dân tộc mình.
Việt Nam là quốc gia với nhiều dân tộc anh em nên rất đa dạng về sắc thái văn hóa. Thổ cẩm của mỗi cộng đồng dân tộc cũng khác nhau. Tấm thổ cẩm của người Cơ Tu dệt có đường nét, hoa văn khác với tấm thổ cẩm do người Kho làm ra. Cách thiết kế họa tiết và sử dụng màu sắc của người Chăm khác với người Thái…
Từ sự tỷ mỷ, công phu trong thiết kế, có thể coi mỗi một tấm thổ cẩm do các nghệ nhân chế tác là một tác phẩm nghệ thuật. Ẩn sâu trong mỗi đường nét, hoa văn, màu sắc là những quan niệm về thế giới tự nhiên, xã hội. Chất liệu để dệt nên những tấm thổ cẩm cũng được chọn lựa rất kỹ lưỡng và cũng rất đa dạng có thể là sợi bông, tơ tằm, sợi lanh, sợi gai…
Nói đến thổ cẩm, tôi chợt nhớ đến bài thơ "Nét hoa văn Đất Mường" của nhà thơ Hà Lý. Bài thơ có những câu rất hay về thổ cẩm:
…Là gái Mường Em chẳng rực rỡ đâu E ấp hoa văn Ẩn mình cánh áo Khuôn ngực em giữ hoa văn Mường lại Nếu cặp váy buông Hoa văn em Lúng liếng Sóng sánh Rực rỡ vô vùng…
Năm 1993, bài thơ được nhạc sĩ Quách Vinh phổ nhạc và trở thành ca khúc nổi tiếng được nhiều người yêu âm nhạc mến mộ. Điều đó chứng tỏ, mầu sắc của thổ cẩm đã gây được ấn tượng mạnh mẽ, kích thích tính sáng tạo của nghệ sĩ.
Người Mường cũng có tập quán dệt thổ cẩm như các dân tộc thiểu số anh em trên đất nước Việt Nam. Nguyên liệu để người Mường dệt nên những tấm thổ cẩm là tơ tằm, hoặc sợi bông kết hợp với tơ tằm. Tác giả của những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc mầu chính là những người phụ nữ tài hoa!
Trước đây, đời sống của người Mường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, sống chủ yếu dựa vào tự nhiên, tự cung tự cấp là chính. Vấn đề mặc được người Mường rất quan tâm, chăm lo. Chăn, màn, quần áo… vải mặc sử dụng cho các thành viên trong gia đình chủ yếu do bàn tay người phụ nữ đảm nhiệm. Các thế hệ phụ nữ Mường luôn có ý thức bảo tồn nghề dệt truyền thống nên ngay từ khi còn nhỏ, các em gái Mường đã được mẹ cho làm quen với việc trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, học ươm tơ và làm ra các tấm thổ cẩm rực rỡ hoa văn, phục vụ cho nhu cầu may mặc của bản thân và các thành viên trong gia đình. Đến tuổi đi lấy chồng, người phụ nữ Mường đã có một cơ số kha khá chăn màn, gối đệm, vải vóc làm của hồi môn mang theo về nhà chồng.
Hàng năm, ăn Tết Nguyên đán xong, người Mường lại hối hả xới đất, lạt cỏ trồng bông. Tháng sáu bông cho thu hoạch, họ lại tất bật với công việc chế biến: phơi sấy, cán bông, bật bông , quay xa kéo sợi… Nói là nghề dệt thật đấy, nhưng hầu như thời gian dành cho công việc này người phụ nữ cũng chỉ làm tranh thủ sau khi công việc đồng áng tạm ổn. Đêm đêm, bên ngọn đ e n dầu leo lét, họ lại miệt mài bên khung dệt để làm ra những tấm vải. Tiếng thoi đưa lách cách và tiếng con ác của khung dệt cót két thâu đêm trở thành kỷ niệm khó quên đối với người phụ nữ Mường.
Về màu sắc, sợi dệt thổ cẩm được nhuộm từ các chất liệu có nguồn gốc thiên nhiên. Màu đỏ nhuộm từ nước cây bang (tô mộc), màu vàng chế từ hạt quả chung khù, màu xanh lấy từ lá cây mớc… Người Mường sử dụng từ 3 màu hoặc 5 màu cho một tấm thổ cẩm gồm: Xanh, đỏ, vàng, trắng, đen.
Ngày nay, giao thương mở rộng, các loại thuốc nhuộm ngày càng đa dạng, tiện lợi... việc phối mầu cho thổ cẩm có phần đơn giản hơn trước nhiều.
Một số hoa văn chủ đạo trên sản phẩm thổ cẩm của người Mường tạo ra trong quá trình dệt là hình cách điệu các linh vật như rồng cả, rồng con, rồng lượn, rồng thả đuôi: Hình con xởng, con xởng lộn, chim công; hình lá vẹn (lá cỏ bợ), quả mê (quả mây). Các họa tiết này được thiết kế riêng rẽ hoặc cùng đi với nhau tùy vào từng sản phẩm và mục đích sử dụng. Như họa tiết trái mê có thể được phối trộn với họa tiết lá vẹn dùng làm "cao" trong thiết kế váy Mường.
Các đường nét, họa tiết hình học như hình răng cưa, hình thoi, hình quả trám, đường diềm… cũng được đưa vào để làm cho sản phẩm thêm nổi bật, cuốn hút mắt nhìn.
Phụ nữ Mường là chủ nhân, tác giả của những tấm thổ cẩm. Có sản phẩm được dệt riêng dùng trang trí cho vỏ chăn - người Mường gọi là Mặt phà. Những chiếc Mặt phà được lồng ruột bông trở thành vật dùng sang trọng, ấm áp trong đêm mùa đông khi nhà có khách nghỉ lại. Mặt phà cũng là vật biếu bố mẹ chồng của các cô dâu Mường trong ngày đầu bước lên cầu thang nhà chồng.
Nói thêm về bài thơ của Hà Lý. Nhà thơ rất tinh tế khi cảm nhận phong cách trang phục của người phụ nữ Mường. Đó là những đường nét hoa văn rồng, phượng… với mầu sắc tươi vui rực rỡ tuyệt đẹp của tác phẩm nghệ thuật lại không được người dùng "phô" ra khi sử dụng, mà chỉ: "… E ấp hoa văn/Ẩn mình trong cánh áo/Khuôn ngực em / Giữ hoa văn đất Mường…. Ở đây, gần như toàn bộ phần đầu váy có hoa văn tinh xảo, rực rỡ đã được cánh áo che đi.
Phải chăng đó chính là sự tế nhị, kín đáo hay còn gọi là duyên thầm riêng của người phụ nữ Mường lâu nay?
Xóm Bui, tháng 10 /2018