Ra mắt diễn đàn “Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản”
Theo Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), Diễn đàn "kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản" có các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Thông tin xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nông sản, vật tư nông nghiệp và sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; Thông tin thống kê, tổng hợp, dự báo, phục vụ quản lý sản xuất, xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu nông sản; Thông tin chuyển đổi số, đẩy mạnh áp dụng mã số vùng trồng, tổ chức liên kết chuỗi, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn chất lượng nông sản; đào tạo, nâng sao năng lực tổ chức sản xuất và thúc đẩy kết nối cung cầu nông sản, sản phẩm du lịch nông thôn; Đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các chuỗi hoạt động sản xuất – tiêu thụ nông sản.
Diễn đàn “Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” được kỳ vọng sẽ kích hoạt dòng chảy nông sản, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp |
Diễn đàn sẽ được tổ chức theo từng chủ đề ngành hàng nông sản theo từng mùa vụ được gắn với từng vùng miền và các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, như: Tổ chức các phiên diễn đàn thông tin kết nối cung cầu nông sản, lương thực thực phẩm cho Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng bị giãn cách do dịch Covid-19. Kết nối cung - cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất các vụ quan trọng còn lại trong năm: Tôm nuôi vụ 2, vụ 3, lúa vụ thu đông và đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long, vụ đông ở miền Bắc…
Tại các diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia các lĩnh vực sẽ thảo luận, tư vấn về phương thức tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản và việc kết nối, thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với thị trường.
Diễn đàn được kỳ vọng sẽ khắc phục điểm nghẽn của một nền sản xuất "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát"; hoạch định chính sách, tìm kiếm, đàm phán, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản; phát huy tối đa vai trò dẫn dắt, định hướng của doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường, của người tiêu dùng.
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND TP. Cà Mau - cho biết, trước tình hình khó khăn của chuỗi sản xuất, về phía địa phương trong phạm vi trách nhiệm đã cố gắng hết sức cho doanh nghiệp, người dân. Việc ra mắt diễn đàn đây là cách làm mới, rất hay, nhưng khi tham gia giai đoạn đầu thì hợp tác xã, nông dân,... sẽ còn bỡ ngỡ, khó khăn, do đó, cần sự hỗ trợ, quan tâm của doanh nghiệp, cơ quan chức năng. Đồng thời kiến nghị Chính phủ có chính sách mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp, có như vậy mới khắc phục được sự gãy đổ của chuỗi sản xuất. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp triển khai chuỗi hợp tác với người dân, như mô hình bao lợi nhuận của Tập đoàn Lộc Trời (bao chi phí sản xuất và đảm bảo lợi nhuận cho người dân), cần có chính sách, phương án thí điểm nguồn lực cho các mô hình như doanh nghiệp này.
Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội - đánh giá, việc thành lập diễn đàn này hết sức quan trọng do sản xuất tiêu thụ rất thiếu thông tin, thiếu kết nối. Do đó, việc kết nối theo chuỗi giá trị sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm, doanh nghiệp không bị đứt gãy nguồn cung, người sản xuất có đầu ra ổn định. Tại diễn đàn có nhiều nội dung thiết yếu quan trọng, sát thực tế với doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, để hoạt động được thiết thực cần có website chính thức (có thể lấy tên nongsanviet.net) để có nhận diện rõ nét với người tiêu dùng. Đồng thời đề xuất, các chủ thể của diễn đàn gồm: nhóm chuyên gia về chuyên môn; sản xuất nông sản (doanh, HTX); thương mại kinh doanh; quan sát viên (cơ quan quản lý nhà nước).....
Ông Lê Minh Hoan- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại đầu cầu Bộ NN&PTNT |
Khẳng định thị trường quyết định chứ không phải người sản xuất, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - kỳ vọng, thông qua diễn đàn này, nhà vườn, nông dân sẽ hiểu hơn quy luật thị trường, tín hiệu thị trường để tìm cách đáp ứng. Từ diễn đàn kết nối này để các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ phát đi tín hiệu thị trường từ đó kích thích nông dân xây dựng mã vùng trồng, vùng nuôi đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường. Việc nắm chắc thị trường trong nước để tiến mạnh mẽ hơn ra thị trường nước ngoài. Các Sở NN&PTNT cũng tìm thấy vai trò của mình trong định hướng sản xuất. "Thị trường chỉ đáp ứng được, khi chúng ta tối ưu tiện ích cho người tiêu dùng, tối ưu sản xuất. Người tiêu dùng ngồi ở nhà cũng có nông sản được đưa đến tận nơi. Thấy tiện ích, người ta sẽ đặt hàng. Mở tổng cầu sẽ mở được tổng cung", ông Lê Minh Hoan khẳng định.
Ông Lê Minh Hoan yêu cầu, Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản thông qua diễn đàn định hướng hoạt động và hoạt động xúc tiến thị trường trong nước và tiến tới thị trường nước ngoài vững chắc hơn, đồng hành với hoạt động của xã hội trong công cuộc chuyển đổi số.