Lực lượng QLTT kiểm tra các cửa hàng, đại lý phân bón tại TP. Hồ Chí Minh |
Tập trung vào khâu sản xuất
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - hiện nay, hoạt động gia công phân bón diễn ra khá phức tạp, đặc biệt đối với doanh nghiệp (DN) thuê gia công phân bón. Năm 2016, Cục Hóa chất đã cấp 433 giấy phép gia công sản xuất phân bón vô cơ, 258 giấy phép gia công cho DN thuê gia công phân bón. "Nhưng thực tế, về phía các DN phân bón lớn, đa số hàng hóa đều bảo đảm chất lượng, phức tạp nhất vẫn là 258 DN thuê gia công phân bón. Địa điểm sản xuất, gia công đóng gói thường thay đổi hoặc thuê tại các địa bàn xa khu vực dân cư để tránh kiểm tra của lực lượng chức năng. Thị trường phân bón giả, phân bón kém chất lượng tập trung chủ yếu tại địa bàn sử dụng phân bón lớn tại những tỉnh phía Nam, khu vực Đắk Nông, Đắk Lắk…" - ông Nguyễn Văn Thanh cho biết.
Vì vậy, trong đợt kiểm tra lần này, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương sẽ tập trung vào khâu sản xuất và trọng tâm là DN thuê gia công phân bón. "Đối với DN thuê gia công phân bón, sẽ kiểm tra quyết liệt, giám sát việc sản xuất tại nơi nhận thuê sản xuất, kiểm tra chất lượng phân bón thuê sản xuất theo hợp đồng gia công"- ông Dương Duy Hưng- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch khẳng định.
Đoàn kiểm tra của Bộ do Cục Quản lý thị trường (QLTT) là đơn vị chủ trì sẽ kiểm tra trực tiếp một số tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công phân bón vô cơ tại địa bàn trọng điểm, nơi thường có tình trạng phân bón giả, không bảo đảm chất lượng.
Ông Trịnh Văn Ngọc – Cục trưởng Cục QL cho biết, Cục đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo các Chi cục QLTT triển khai thực hiện nhiệm vụ, chủ đạo vẫn tập trung vào DN thuê gia công phân bón. Cục QLTT thành lập các đoàn công tác, phối hợp với một số Chi cục QLTT địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn, lấy mẫu gửi kiểm nghiệm chất lượng để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Dồn lực vào đợt cao điểm
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để đạt được hiệu qua cao nhất trong đợt cao điểm kiểm tra phân bón lần này, Cục QLTT cần phải xem xét phương thức, cách thức phù hợp, không chỉ có văn bản chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố theo yêu cầu đã đặt ra mà cần phải có sự chủ động phối hợp với các địa phương, địa bàn trọng điểm; phải xác định rõ chiến dịch nhằm mục đích mục tiêu gì, chiến dịch trọng tâm ở địa bàn nào, sản phẩm nào, đối tượng nào để từ đó đôn đốc chỉ đạo cơ sở.
"Bên cạnh đó, Cục QLTT cũng phải xây dựng các đợt kiểm tra chính thức và không chính thức đột xuất nhằm vào các cơ sở tại địa bàn trọng điểm. Xây dựng mối liên kết giữa các địa phương để trao đổi thông tin và kinh nghiệm. Ngoài ra, các biện pháp tuyên truyền cũng cần đi vào thực chất thực tế hơn nữa để tạo ra hiệu quả toàn diện"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để tạo bước đột phá trong đấu tranh, lập lại thị trường phân bón Việt Nam hiện nay, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cần có biện pháp mạnh, dồn lực kiểm tra, phải làm đến nơi đến chốn và có quyết tâm. Cụ thể, đối với lực lượng QLTT, các Sở Công Thương và Chi cục QLTT các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng, đóng vai trò chủ đạo, phải có Giám đốc Sở Công Thương vào cuộc, phối hợp với Chi cục kiểm tra thật quyết liệt hiệu quả mới cao.
Được biết, Cục QLTT sẽ phối hợp Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và một số Sở Công Thương tiến hành kiểm tra một số địa bàn có số lượng DN sản xuất phân bón lớn như Long An (122 DN), Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Thanh Hóa, Bắc Giang… và DN sản xuất phân bón tại địa bàn xa xôi như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Yên Bái, Tuyên Quang...
Kết thúc đợt kiểm tra, Cục QLTT sẽ phối hợp với các thành viên trong đoàn tổng hợp kết quả báo cáo trình lãnh đạo Bộ vào cuối tháng tháng 4/2017 (đợt kiểm tra thứ nhất), cuối tháng 7/2017 (đợt kiểm tra thứ 2) và cuối tháng 9/2017 (đợt kiểm tra thứ 3); kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực trong công tác quản lý phân bón nói chung, phân bón vô cơ nói riêng. |