Quỹ tín dụng nhân dân Bắc Giang: Nguồn vốn đồng hành cùng sự phát triển
Hiệu quả cao
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 21 QTDND, trong đó có 19 QTDND đang hoạt động bình thường, 1 QTDND đang trong quá trình thanh lý và 1 QTDND đang kiểm soát đặc biệt. Phát huy vai trò, nhìn chung, hoạt động của các QTDND trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc; ngày càng chất lượng hơn. Tính đến hết 30-9, tổng nguồn vốn huy động của các QTDND đạt hơn 2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9%; tổng dư nợ cho vay là hơn 1,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,21% so với thời điểm 6 tháng năm nay, chênh lệch thu - chi (sau thuế) đạt hơn 15,7 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,4% tổng dự nợ.
Là một trong những QTDND hoạt động rất hiệu quả, ông Vũ Văn Kiên - Giám đốc QTDND Tân Dĩnh (xã Tân Dĩnh - huyện Lạng Giang) cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, tổng nguồn vốn huy động của quỹ đạt hơn 125,3 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2018; dư nợ tiền vay cũng đạt gần 144,4 tỷ đồng, tăng 22,6% so năm 2018. Đáng chú ý, khách hàng ở đây không chỉ là người trên địa bàn xã Tân Dĩnh mà cả ở những xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện. Sở dĩ Quỹ tạo được niềm tin với người dân địa phương là do trong thời gian qua, tập thể lãnh đạo Quỹ đã quyết tâm làm tốt công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Từ đó, giúp cho việc làm các thủ tục vay vốn cũng tiền gửi tiền tiết kiệm của khách hàng được nhanh chóng, bảo đảm an toàn theo đúng quy định.
Khách hàng đến giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân Tân Dĩnh (Lạng Giang) |
Thật vậy, trao đổi với phóng viên, ông Ngô Ngọc Nhuận, thôn Tân Sơn 1, xã Tân Dĩnh đang làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm 100 triệu đồng cho biết, cách đây ba năm, gia đình ông vay từ QTDND Tân Dĩnh hơn 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất đá cây, cung cấp cho các hộ dân buôn bán thủy hải sản trong vùng. Do làm ăn có lãi, nay gia đình ông không chỉ đã trả hết nợ gốc mà còn có tiền mang gửi tiết kiệm. “Khi gửi tiết kiệm vào Quỹ, tôi không xác định lãi suất cao hay thấp mà chủ yếu nghĩ rằng do nơi đây đã giúp mình có điều kiện đầu tư sản xuất kinh doanh như ngày hôm nay”, ông Nhuận tâm sự.
Nếu QTDND Tân Dĩnh là một trong những quỹ hoạt động hiệu quả tiêu biểu trên địa bàn tỉnh thì QTDND Tân An (Yên Dũng) lại đang có nhiều chuyển biến, khắc phục những khó khăn gặp phải. Ông Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc QTDND Tân An tâm sự: “Nhờ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Bắc Giang trang bị phần mềm quản lý quỹ nên việc cập nhật các thông tin hoạt động được chi tiết, thường xuyên hơn. Từ đây, NHNN chi nhánh tỉnh Bắc Giang nắm bắt kịp thời, có sự hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn phát sinh từ thực tiễn”.
Năm 2018, Quỹ phát sinh khoảng 700 triệu đồng nợ xấu. Do có sự phối hợp tích cực của cấp chính quyền, ngành chức năng trong việc xử lý nợ xấu, đến nay Quỹ đã xử lý được khoảng 500 triệu đồng, còn 200 triệu đồng, ngay trong năm nay sẽ giải quyết dứt điểm.
Phát huy vai trò
Theo đánh giá của NHNN chi nhánh tỉnh Bắc Giang, mặc dù đã có những hiệu quả tích cực nhưng tính từ năm 2017 đến nay, các QTDND trên địa bàn tỉnh đã gặp phải không ít khó khăn, tồn tại như: Việc ban hành quy định nội bộ chưa đầy đủ, kịp thời; công tác quản trị chưa sâu. Hầu hết các quỹ, việc điều hành chưa quyết liệt; kiểm soát và kiểm toán nội bộ chưa được quan tâm đúng mức. Trong hoạt động cho vay, một số hồ sơ cho vay, hồ sơ bảo đảm tiền vay còn chưa đầy đủ, chặt chẽ theo quy định. Công tác kiểm tra việc sử dụng vốn vay chưa được quan tâm thỏa đáng.
Trước những khó khăn, bất cập trên, NHNN chi nhánh tỉnh Bắc Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tọa đàm trao đổi tìm biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, hợp đồng thế chấp, tài sản bảo đảm tiền vay. Mặt khác, thường xuyên chỉ đạo QTDND thực hiện nghiêm công tác kiểm tra độc lập hằng năm theo quy định; xây dựng và thực hiện tốt phương án cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đặc biệt, chỉ đạo các QTDND thường xuyên quan tâm đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên của quỹ... “Đến nay, cơ bản những tồn tại, hạn chế trên đã được các đơn vị khắc phục chỉnh sửa xong, chỉ còn số ít tồn tại, hạn chế các quỹ đang tiếp tục khắc phục”, ông Nguyễn Văn Oánh, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bắc Giang nói.
Nhằm bảo đảm duy trì hoạt động của các QTDND hiệu quả, an toàn hơn, thời gian tới, NHNN chi nhánh tỉnh Bắc Giang tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát các QTDND. Trong đó, thực hiện tốt phương án cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch thực hiện việc củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Chú trọng công tác phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai kịp thời các văn bản, chính sách pháp luật của nhà nước và của ngành về tiền tệ và ngân hàng, nhất là các văn bản có liên quan trực tiếp đến QTDND. NHNN chi nhánh tỉnh Bắc Giang cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan để có giải pháp xử lý nhằm ổn định hoạt động của QTDND và bảo đảm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn.