Quý II/2018, ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng 0,7%
Quý II/2018, ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng 0,7% |
Theo báo cáo, 6 trong 7 nhóm ngành hàng lớn của ngành hàng FMCG đã có sự tăng trưởng trở lại trong quý II/2018 bao gồm: nhóm ngành hàng thức uống (có bao gồm bia), các sản phẩm từ sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân, sản phẩm chăm sóc em bé và thuốc lá. Đặc biệt, nhóm ngành hàng chăm sóc em bé đạt mức tăng lớn nhất lên đến 12%, đây là mức tăng trưởng nổi bật nhất trong nhiều quý liền. Chỉ có nhóm ngành hàng thực phẩm tiếp tục giảm xuống -1,9%.
Ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc Cấp cao, Trưởng bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam – cho hay: Trong khi GDP của Việt Nam đạt 7,1% trong 6 tháng đầu năm 2018 thì ngành hàng FMCG vẫn chưa phản ánh được những diễn biến tích cực của điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, các cơ hội tăng trưởng vẫn đang tồn tại. “Chúng tôi thấy doanh thu tại kênh bán hàng hiện đại đang tăng hai con số. Kênh bán sỉ lẻ bao gồm các cửa hàng có hoạt động thương mại bán buôn và cả bán lẻ, có doanh số bán hàng cũng đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Tính thời vụ cũng mang đến những cơ hội tuyệt vời cho một số danh mục sản phẩm nhất định, chẳng hạn như thức ăn nhẹ, sữa, đồ uống và bánh kẹo… để đổi mới và kết nối với người tiêu dùng theo những cách sáng tạo”, ông Nguyễn Anh Dũng nói.
Tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong quý II/2018 vẫn chưa phản ánh được điều kiện tích cực của nền kinh tế. |
Về tình hình kinh doanh của các kênh thương mại, kênh thương mại hiện đại có mức tăng lên đến 11,9% trong khi kênh thương mại truyền thống vẫn đang chậm chạp. Về các khu vực, doanh số bán lẻ ngành hàng FMCG ở kênh truyền thống khu vực thành thị tăng nhẹ 1,2%. Trong khi đó, kênh thương mại truyền thống ở khu vực nông thông đang có mức tăng âm -2,4%.
Các sản phẩm tiêu dùng nhanh đã dần trở thành những điều cơ bản trong cuộc sống của người tiêu dùng trong khi đó các sản phẩm khác mang đến nhiều sự phấn khích vì tính mới lạ hay trải nghiệm đặc biệt. Người tiêu dùng sẵn sàng nới lỏng hầu bao của họ, và điều này dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch, giải trí, sản phẩm điện tử… Chính vì vậy, đây chính là thời điểm cho các nhà sản xuất để thay đổi và mang sự phấn khích trở lại cho ngành hàng FMCG. “Điều quan trọng nhất là lắng nghe người tiêu dùng và đặt họ vào vị trí trung tâm của tất cả các quyết định mà nhà sản xuất sẽ đưa ra. Họ sẽ cung cấp các dấu hiệu quan trọng dẫn đến sự tăng trưởng bền vững nếu các nhà sản xuất có thể đáp ứng được như cầu và mong muốn của người tiêu dùng” đại diện Nielsen Việt Nam khuyến cáo.