Quy hoạch điện VIII chắc chắn sẽ tốt hơn các quy hoạch trước!
Tuy nhiên thời gian qua, cơ cấu, nhu cầu sử dụng điện ở các ngành kinh tế trên địa bàn huyện Thạch Thất đã có sự thay đổi cần phải phân bổ, bố trí lại. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng quá tải ở đường dây truyền tải tại một số xã trên địa bàn. Chưa kể, Quy hoạch điện VII vẫn còn có quan điểm khá “cứng”, từ quy mô, tiến độ và vị trí triển khai dự án.
Ví dụ, tại thời điểm lập quy hoạch của dự án, chúng ta thường dùng tên địa danh để đặt tên cho các trạm biến áp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vì một số lý do nên phải điều chỉnh sang vị trí khác để phủ hợp với quy hoạch của địa phương nên tên trạm biến áp khác với tên địa danh. Điều này đã dẫn đến những dư luận không tốt trong nhân dân về ngành điện.
Ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội |
Bên cạnh đó, hiện tại, việc đầu tư xây dựng lưới điện trên địa bàn TP Hà Nội về cơ bản đáp ứng được các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như phục vụ đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, việc đầu tư còn chậm so với giai đoạn trong quy hoạch phát triển điện lực của thành phố, phần nào gây khó khăn cho việc xây dựng các quy hoạch khác và việc bố trí quỹ đất để xây dựng hệ thống lưới điện theo quy định. Do đó đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện theo đúng giai đoạn đầu tư như trong các quy hoạch phát triển điện lực các cấp đã được phê duyệt.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã được Bộ Công Thương xây dựng và tiếp tục lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ. Tôi cho rằng, Quy hoạch điện VIII chắc chắn sẽ tốt hơn các quy hoạch trước. Trong đó điểm nhấn có việc ưu tiên phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo. Chính phủ xác định rõ việc “phát triển đầy đủ cân đối và bền vững, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh”.
Quy hoạch điện VIII được nghiên cứu khoa học và kỳ vọng tận dụng được tối đa các nguồn tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi để chủ động hơn, bớt phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng. Song, cho dù bản quy hoạch có tốt đến đâu, thì điều quan trọng nhất vẫn là khả năng hiện thực hóa trong đời sống.
Để có được phương án tối ưu nhất với quy hoạch này, theo tôi, cần làm rõ cơ sở để xây dựng Quy hoạch Điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đảm bảo hạn chế việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên. Đặc biệt, cần thiết phải có những cơ chế, chính sách cụ thể và rất đặc thù để có thể triển khai thành công các dự án điện nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.