Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long làm việc với Hội đồng năng lượng gió toàn cầu
Tin hoạt động 07/11/2024 15:00
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao sự hợp tác và trao đổi thông tin giữa Hội đồng năng lượng gió toàn cầu với Việt Nam trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Trong đó có việc nghiên cứu, xây dựng “Báo cáo nghiên cứu lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi”.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho rằng, để hiện thực hóa được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” - Net Zero vào năm 2050, Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi trong thời gian tới.
Do đó, Bộ Công Thương đề nghị GWEC tiếp tục trao đổi các thông tin và có những tư vấn chính sách về đầu tư và hợp tác đầu tư trong việc xây dựng lưới điện thông minh, sản xuất năng lượng điện gió ngoài khơi cho phía Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phong Lâm |
Tại buổi làm việc, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á của GWEC cũng đã giới thiệu chi tiết về “Báo cáo nghiên cứu lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi” do thành viên thuộc GWEC thực hiện.
Theo ông Mark Hutchinson, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã có những bước đi quan trọng hướng tới việc mở rộng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, đáng chú ý là thông qua việc thông qua Quy hoạch điện VIII. Quy hoạch này đề ra các mục tiêu năng lượng tái tạo nhằm hướng tới mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, trong đó điện gió ngoài khơi được xác định là một trụ cột trong chiến lược này.
Với nguồn tài nguyên gió vượt trội và cam kết mạnh mẽ đối với điện gió ngoài khơi được nêu trong Quy hoạch điện VIII, Việt Nam có tiềm năng dẫn đầu phát triển điện gió ngoài khơi ở Đông Nam Á.
Điện gió ngoài khơi với hệ số công suất cao sẽ là sự bổ sung hoàn hảo cho các công nghệ tái tạo khác tại Việt Nam. Đồng thời, có khả năng lớn nhất trở thành nguồn điện chạy nền so với các loại năng lượng tái tạo khác.
Ông Mart Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á của GWEC giới thiệu chi tiết về “Báo cáo nghiên cứu lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi”. Ảnh: Phong Lâm |
Không những vậy, Việt Nam cũng có vị thế đặc biệt để trở thành trung tâm chuỗi cung ứng khu vực cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Việt Nam đã xuất khẩu tháp điện gió sang các thị trường châu Á khác và là nơi duy nhất có nhà máy lắp ráp tuabin gió ở Đông Nam Á. Hơn nữa, thế mạnh chuyên môn của Việt Nam trong ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi có thể được chuyển đổi sang điện gió ngoài khơi, hỗ trợ công nghiệp hóa bền vững và tạo ra số lượng cơ hội việc làm đáng kể.
“Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho rằng, một quy trình lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh cho các dự án điện gió ngoài khơi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu năng lượng dài hạn.
Dựa trên những yếu tố này, GWEC đã ủy thác thực hiện “Báo cáo nghiên cứu lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi”. Mục tiêu của GWEC là cung cấp cho Chính phủ một phân tích toàn diện, dựa trên dữ liệu về cách thức lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh trong lĩnh vực điện gió điện gió ngoài khơi cạnh tranh, có tham khảo các nghiên cứu điển hình quốc tế”, ông Mark Hutchinson chia sẻ về lý do xây dựng báo cáo.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phong Lâm |
Cũng theo ông Mark Hutchinson, “Báo cáo nghiên cứu lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi” có cấu trúc 4 phần, bao gồm báo cáo tóm tắt; tổng quan về thị trường và nhu cầu tạo lập quy trình lựa chọn nhà thầu cạnh tranh; các nghiên cứu điển hình quốc tế về quy trình lựa chọn cạnh tranh; các khuyến nghị liên quan đến bối cảnh đặc biệt của thị trường Việt Nam.
“GWEC hy vọng những kết quả nghiên cứu trong báo cáo này sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc đưa điện gió ngoài khơi trở thành một phần nền tảng trong cơ cấu năng lượng tương lai của đất nước”, ông Mark Hutchinson nhấn mạnh.