Quy định và thực tiễn về phòng vệ thương mại trong bối cảnh mới
Sáng ngày 27/7, tại Thừa Thiên Huế, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp Sở Công thương Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức hội nghị “Quy định và thực tiễn về phòng vệ thương mại trong bối cảnh mới”. Đại diện các Sở, ban ngành, hiệp hội, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tham gia hội nghị.
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại phát biểu |
Tại hội nghị, Cục Phòng vệ thương mại phổ biến các quy định và thực tiễn về các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh mới như: Thực tiễn và tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại; quy định pháp luật và điều tra; thực tiễn các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại do Việt Nam tiến hành; tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, Vụ thị trường Châu Âu – Châu Mỹ phổ biến Quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ đối với mặt hàng dệt may trong các FTA mà Việt Nam tham gia…
Theo Cục Phòng vệ thương mại, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Tính đến hết tháng 6 năm 2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường quốc tế đã phải đối mặt với 231 vụ kiện phòng vệ thương mại. Trong đó, số lượng vụ việc điều tra chống bán phá giá (128 vụ), tiếp đến là vụ việc tự vệ (47 vụ), điều tra lẫn tránh thuế (33 vụ) và chống trợ cấp (23 vụ).
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023, các nước đã khởi xướng 4 vụ kiện phòng vệ thương mại mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 3 vụ kiện chống bán phá giá của Hoa Kỳ liên quan đến máy phun xịt chạy bằng khí cao áp, móc treo quần áo bằng thép, túi giấy đi chợ.... Từ đó, có thể thấy không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như gỗ, cá tra, cá basa, tôm, da giày, dệt may, thép… mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như mật ong, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá... cũng đã bị điều tra phòng vệ thương mại.
Đại diện các Sở, ban ngành, doanh nghiệp tham gia hội nghị |
Bên cạnh đó, việc Việt Nam tiếp tục thi hiện các Hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế quan trọng tại các thị trường xuất khẩu, nhưng cũng sẽ khiến sức ép cạnh tranh tại thị trường trong nước gia tăng, xuất hiện một số hành vi lợi dụng xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi bất hợp pháp…
Tuy vậy, theo ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại thì nếu phòng vệ thương mại được áp dụng hợp lý sẽ là tấm khiên để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các hàng rào thuế quan thông thường sẽ được giảm dần theo các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế. “Do đó, thông qua hội nghị này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài cũng như sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại được pháp luật cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp”, ông Chu Thắng Trung cho biết thêm.
Ngoài ra, hội nghị có sự trao đổi, giải đáp về các vướng mắc về việc thực hiện phòng vệ thương mại của các đơn vị quản lý nhà nước, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.