Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm: Có 1.000 tỷ đồng nhưng chưa chi đồng nào
Tạo thuận lợi, minh bạch cho nhà đầu tư và doanh nghiệp
Sáng 22/3/2022, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 9 để cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài chính) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) |
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về hợp đồng bảo hiểm (Chương II), một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát và làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm vừa phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, hợp đồng bảo hiểm là một chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Do đó, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung tại Chương này như: Bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm…
Tuy nhiên, để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo Luật, phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về hợp đồng bảo hiểm tại dự thảo Luật như quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết, thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm….
Về Giấy phép thành lập và hoạt động (Điều 71), nhiều ý kiến đề nghị gộp chung giấy phép thành lập, hoạt động và giấy đăng ký kinh doanh (Điều 71) để đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 đã tách việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động (mang tính điều kiện kinh doanh chuyên ngành do Bộ Tài chính cấp) với việc đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp (do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp). Tuy nhiên, tại các cuộc hội thảo tham vấn ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật, nhiều đại biểu tham dự hội thảo và doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng quy định này tạo thêm thủ tục hành chính và tốn kém thêm chi phí cho doanh nghiệp.
Do đó, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, để tạo thuận lợi, minh bạch cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, dự thảo Luật đã chỉnh sửa theo hướng giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm đồng thời là giấy đăng ký doanh nghiệp (như quy định hiện hành), đồng thời, bổ sung khoản 2 Điều 71 quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
"Việc quy định như dự thảo Luật bảo đảm thống nhất một cơ quan (Bộ Tài chính) quản lý việc cấp phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm quản lý, giám sát được doanh nghiệp bảo hiểm và phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp" - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh
Có nên dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm?
Vấn đề Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm cũng là vấn đề đang nhận được nhiều ý kiến băn khoăn. Một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Ý kiến khác cho rằng, nên có quy định về trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.
Trước vấn đề này, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, tại Báo cáo số 340/BC-CP ngày 24/9/2021 về tiếp thu, giải trình chi tiết ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), trong đó có giải trình về việc dừng trích Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.
Chính phủ cho rằng trước đây, khi áp dụng mô hình vốn tối thiểu (mức vốn cố định, không gắn quy mô kinh doanh và rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm) và Nhà nước chỉ can thiệp sau khi doanh nghiệp bảo hiểm có vấn đề (mất khả năng thanh toán), cần thiết phải có cơ chế bổ sung để bảo vệ người tham gia bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán, phá sản.
"Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (Luật số 61/2010/QH12) đã có quy định đóng góp thành lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Tuy nhiên, sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng" - ông Vũ Hồng Thanh thông tin.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chuyển từ phương thức can thiệp sau (khi doanh nghiệp bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán) sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro, do đó đã nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong quản trị doanh nghiệp và kiểm soát tài chính, tăng cường yêu cầu đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp can thiệp sớm.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của 02 Quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.
Cùng với những lý do nêu trên, việc duy trì đồng thời cả 02 Quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với quan điểm của Chính phủ thể hiện tại Tờ trình số 307/TTr-CP ngày 26/8/2021 về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3 (tháng 9/2021), theo đó đề nghị dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đồng thời giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư của Quỹ đúng mục đích ban đầu khi thành lập Quỹ.
Tuy nhiên, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ quan điểm muốn giữ quỹ này. Trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh... thì doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có thể khó khăn. Nhà nước có công cụ nào để can thiệp vào đây? Ví dụ, quỹ bảo hiểm thất nghiệp vừa qua, vì có quỹ này, chúng ta mới thực hiện chia sẻ cho người lao động. Ở đây cũng thế là để chia sẻ cho người bảo hiểm, cũng cần phải có quỹ nhưng qũy này có thể hạ mức xuống, bây giờ là 0,3% thì có thể hạ xuống ở mức thấp hơn.
"Cho nên đề nghị duy trì quỹ này và giao cho Chính phủ quy định. Quỹ này từ khi thành lập thì hiện có 1.000 tỷ đồng, chưa chi đồng nào vì mục đích của quỹ này chỉ hỗ trợ cho người bảo hiểm chứ không chi cho việc khác” - ông Phớc phân trần.