Thứ tư 01/01/2025 22:18

Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam: Ấn tượng hành trình 30 năm

Năm 1990, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới ký Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (BTTEVN) được thành lập với mục đích vận động nguồn lực để cùng ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Nhiều năm qua, Quỹ đã làm tốt vai trò cầu nối những “Tấm lòng vàng - nhà tài trợ” đến với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn ở Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân - Chủ tịch HĐBT Quỹ BTTEVN cùng các nhà tài trợ tại Chương trình nghệ thuật Mùa xuân cho em lần thứ 15

Sau 30 năm hoạt động, hệ thống Quỹ BTTEVN đã vận động hơn 7.600 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 34 triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Dấu ấn của Quỹ đã in đậm trong nhiều chương trình, dự án lớn. Trong đó, với Chương trình “Vì trái tim trẻ thơ” (Hỗ trợ phẫu thuật dị tật tim bẩm sinh do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phát động năm 2002, Quỹ là đơn vị tiên phong, dẫn đầu trong việc kêu gọi cộng đồng chung tay góp sức hỗ trợ kinh phí cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh được phẫu thuật, giúp các em có trái tim khỏe để được sống, học tập và phát triển. Sau hơn 20 năm triển khai, Quỹ BTTEVN đã hỗ trợ phẫu thuật hơn 2.000 trẻ em, với tổng kinh phí gần 90 tỷ đồng. Chương trình đã đem lại sự sống cho trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh, giúp các em có sức khỏe ổn định, tiếp tục học tập và phát triển; giảm bớt gánh nặng mang lại niềm hạnh phúc lớn cho cha mẹ, gia đình các em.

Hay với Chương trình phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, đặc biệt là trẻ em là nạn nhân chất độc da cam, để giúp các em có cơ hội phục hồi chức năng, giảm bớt phần nào gánh nặng của gia đình, Quỹ BTTEVN là một trong những đơn vị đầu tiên trong nước phát động và huy động nguồn lực hỗ trợ trẻ em khuyết tật, trẻ em là nạn nhân chất độc da cam. Từ năm 2001, Quỹ đã xây dựng và thành lập 34 Trung tâm Phục hồi chức năng tại tỉnh 24 tỉnh, thành phố. Trung tâm Phục hồi chức năng được thành lập với mục đích truyền thông về quyền trẻ em, chuyển giao, tư vấn kiến thức cho cha mẹ trẻ em khuyết tật, tàn tật để cha mẹ trẻ tự thực hiện tại nhà, hỗ trợ phục hồi chức năng, hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em khuyết tật tại trung tâm và ngay tại gia đình. Tính đến nay đã có 23.883 lượt trẻ em hưởng lợi, với tổng kinh phí là 36,481 tỷ đồng.

Giám đốc Quỹ BTTEVN Hoàng Văn Tiến (bên phải) tiếp nhận tài trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Với Chương trình phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ dị tật vận động, để giúp trẻ em bị dị tật về tay, chân được phẫu thuật và sớm phục hồi chức năng hòa nhập với cộng đồng, từ năm 2002, Quỹ triển khai Chương trình hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cho trẻ em bị dị tật vận động. Tính đến nay đã có 7.149 trẻ em được hỗ trợ phẫu thuật với tổng kinh phí 10,632 tỷ đồng. Thông qua chương trình, trẻ em có điều kiện được phẫu thuật, các em sớm được phục hồi chức năng về vận động để hòa đồng với các bạn cùng trang lứa, tiếp tục được học tập và phát triển.

Đặc biệt, trong 2 năm 2020 - 2021, Quỹ đã hỗ trợ gần 24 tỷ đồng cho 29.563 trẻ em bị ảnh hưởng dịch Covid-19 tại 47 tỉnh, thành phố như: Hải Dương, Hải Phòng, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai, An Giang, Thái Bình, Hà Nam, Nghệ An…

Ngoài ra, còn các chương trình như: Vì ánh mắt trẻ thơ (Phẫu thuật và điều trị dị tật mắt); Hỗ trợ dinh dưỡng; Hỗ trợ học bổng; Hỗ trợ đỡ đầu và bảo trợ dài hạn; Hỗ trợ xây dựng điểm trường, lớp học, nhà nội trú và cầu đến lớp; Hỗ trợ dụng cụ học tập; Hỗ trợ xe đạp; Trang bị chương trình Giáo dục sớm KidSmart; Hỗ trợ xe lăn; Hỗ trợ cặp phao cứu sinh; Hỗ trợ điểm vui chơi; Hỗ trợ công trình nước sạch; Hỗ trợ trẻ em tham gia các sự kiện... cũng mang đậm dấu ấn của Quỹ BTTEVN.

Đổi mới tư duy, cách thức hỗ trợ

Phát huy và nhân rộng những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, giai đoạn tới, Quỹ BTTEVN phấn đấu vận động đạt 100 tỷ đồng/năm; mỗi năm hỗ trợ trực tiếp cho 100.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.

Đáng chú ý, Quỹ BTTEVN xác định đổi mới tư duy, cách thức hỗ trợ tạo nguồn nhân lực trong tương lai hướng tới những mốc lịch sử của đất nước. Đồng thời, đổi mới cách thức vận động nguồn lực để tạo nguồn bền vững, đáp ứng tốt việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng và nhằm mục đích cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội hiểu hơn về Quỹ và ủng hộ, tài trợ nhiều hơn nữa. Đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động của Quỹ cho phong phú hơn, phù hợp với bối cảnh phục hồi nền kinh tế và phù hợp với Cách mạng công nghiệp 4.0. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường tính minh bạch để có nhiều hơn nữa sự ủng hộ, tin tưởng và gắn bó của các tổ chức, cá nhân đồng hành với Quỹ trong giai đoạn tiếp theo.

Đặc biệt, Quỹ sẽ thực hiện phân loại đối tượng trẻ em cần hỗ trợ cho phù hợp với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ trong giai đoạn tới, đồng thời phù hợp với nhu cầu thực tiễn của trẻ em cần hỗ trợ bởi ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, dịch bệnh. Tập trung các đối tượng trẻ em cần được hỗ trợ, gồm; Nhóm truyền thống đang thực hiện và nhóm trẻ em bị tác động bởi Covid-19 để cùng nhà nước thực hiện gói đảm bảo an sinh xã hội.

Ngoài ra, Quỹ sẽ khảo sát các đối tượng trẻ em đặc biệt cần có sự giúp đỡ để đưa vào kế hoạch hỗ trợ như: Làng trẻ em bị ung thư, làng trẻ em chạy thận… Đây là các đối tượng trẻ em hết sức khó khăn cần nhận được sự trợ giúp từ các nguồn lực của Quỹ.

Quỹ BTTEVN có chức năng vận động sự đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài, viện trợ quốc tế và hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết để thực hiện các mục tiêu về trẻ em được nhà nước ưu tiên.

Ngọc Anh
Bài viết cùng chủ đề: Liên Hợp Quốc