CôngThương - Quyết định tăng giá xăng dầu tối 17/7 là khó tránh khỏi nhưng vẫn khiến dư luận sững sờ và thất vọng, nguyên nhân chủ yếu do cách phát biểu tạo kỳ vọng ngược cho người dân của các cơ quan quản lý trước đó.
Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý hiện đang “tiền hậu bất nhất”, tức là giữa phát ngôn và hành động không đồng nhất với nhau. Cuối tuần trước, giá xăng dầu đã “nhốp nhổm” đòi tăng nhưng sau đó lại có thông tin cơ quan quản lý đang yêu cầu doanh nghiệp sử dụng Quỹ Bình ổn, tạm thời giữ nguyên giá bán xăng dầu.
Rồi bất ngờ, khi trận đấu giữ đội tuyển Việt Nam và Arsenal đang diễn ra trên Sân vận động Mỹ Đình, giá xăng dầu đã chính thức điều chỉnh tăng thêm gần 500 đồng/lít, lên 24.570 đồng/lít.
Lý giải cho quyết định gây tranh cãi này, trong khuôn khổ cuộc họp báo thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách diễn ra sáng nay 19/7, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: “Bộ Tài chính đang điều hành giá xăng dầu rất nghiêm túc theo Nghị định 84. Trong đó, giá cơ sở được tính bình quân 30 ngày, tần suất tăng tối thiểu 10 ngày, còn giảm thì bất kỳ lúc nào; nhưng nếu tối thiểu 10 ngày mà doanh nghiệp không điều chỉnh khi giá xăng dầu thế giới giảm thì cơ quan quản lý sẽ yêu cầu”.
Nói về thời gian điều chỉnh tăng giá bán vào tối 17/7, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu là điều chỉnh giá bán trong phạm vi cả nước nên không thể nói là Bộ nhân dịp bóng đá để tăng giá, tránh sự chú ý của dư luận.
Giải thích về ý kiến của dư luận cho rằng, điều hành giá xăng dầu đang “tiền hậu bất nhất”, đại diện Bộ Tài chính cho hay: Ngày 11/7, Bộ tiếp nhận 2 văn bản của doanh nghiệp báo cáo giá cơ sở cao hơn bán lẻ do giá xăng dầu thế giới tăng nhưng Bộ đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp này kiềm chế không tăng giá và tiếp tục theo dõi. Khi đó giá xăng dầu thế giới biến động rất thất thường, lúc tăng lúc giảm. Lúc đó không phải Bộ Tài chính nói không tăng giá mà là yêu cầu các doanh nghiệp kiềm chế”.
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, trước áp lực tăng giá của giá xăng dầu thế giới, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã tính toán và thấy rằng, mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở đã lên mức 720 đồng - 988 đồng/lít. Nếu liên Bộ đồng ý cho tăng theo mức chênh lệch này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số giá tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó, sau khi lựa chọn các phương pháp điều hành, liên Bộ đã yêu cầu doanh nghiệp tạm thời cắt giảm 2/3 lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở của mặt hàng xăng. Lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở đối với mặt hàng xăng chỉ tạm tính 100 đồng/lít.
Để hạn chế mức tăng giá cao, doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG), với mặt hàng xăng là 300 đồng/lít; đồng thời điều chỉnh tăng mức sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu diezel, dầu hỏa thêm 100 đồng/lít, từ 200 đồng/lít lên 300 đồng/lít.
Cũng theo tính toán từ Bộ Tài chính, sau khi thực hiện sử dụng Quỹ BOG và cắt giảm, chia sẻ lợi nhuận định mức đối với mặt hàng xăng của doanh nghiệp như trên, phần chênh lệch giữa giá cơ sở đang cao hơn giá bán hiện hành từ 426 đồng - 468 đồng/lít. Chính vì vậy, liên Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động rà soát lại phương án giá, cách tính giá theo quy định để quy định điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá cơ sở và phù hợp với các quy định tại Nghị định số 84 để tạo lập mặt bằng giá bán xăng dầu cạnh tranh trong nước, nhưng tối đa không vượt quá mức chênh lệch nêu trên.
Theo tính toán của ông Nguyễn Anh Tuấn, việc giá xăng, dầu tăng vào ngày 17/7 sẽ kéo chỉ số giá tăng khoảng 0,1%. Dự báo về chỉ só giá tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm, ông Tuấn cho rằng: Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm ở mức 2,4%, với mục tiêu của Chính phủ đề ra là 6-6,5%, cơ quan điều hành giá sẽ cố gắng tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ điều hành giá các mặt hàng bám sát mục tiêu này.