Quốc hội thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7
Dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là phù hợp
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng |
Về lưu trữ tài liệu điện tử (Mục 3 Chương III, từ Điều 31 đến Điều 37), ông Hoàng Thanh Tùng cho hay, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định cụ thể về tài liệu điện tử cần lưu trữ của ngành, lĩnh vực; bổ sung quy định xác định chủ thể được tiếp cận tài liệu điện tử.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cũng như đối với tài liệu giấy, tài liệu điện tử hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức cần được đánh giá để xác định những tài liệu có giá trị lưu trữ, tài liệu không có giá trị lưu trữ.
Nghiệp vụ lưu trữ đối với tài liệu điện tử đã được quy định cụ thể tại Mục 1 và Mục 3 Chương III của dự thảo Luật, gồm các nội dung về xác định giá trị tài liệu; thời hạn lưu trữ; hồ sơ, tài liệu nộp vào lưu trữ; cơ quan, tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử; việc quản lý, sử dụng, khai thác thông tin trong tài liệu lưu trữ…
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 6 Điều 15 của dự thảo Luật theo hướng bổ sung nội dung giao người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định cụ thể danh mục hồ sơ, tài liệu lưu trữ của cơ quan, tổ chức (bao gồm tài liệu lưu trữ điện tử).
Về việc tiếp cận tài liệu lưu trữ là tài liệu điện tử, dự thảo Luật đã có quy định về tiếp cận thông tin trong tài liệu lưu trữ (Điều 25), quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, sử dụng thông tin trong tài liệu lưu trữ (Điều 26) áp dụng cả đối với tài liệu lưu trữ giấy và tài liệu lưu trữ điện tử.
Việc xác định chủ thể và thông tin được tiếp cận trong các trường hợp cụ thể được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và pháp luật có liên quan, do đó đã bao hàm nội dung đại biểu Quốc hội đề nghị.
Có ý kiến đề nghị tích hợp tài liệu điện tử và vấn đề cải cách thủ tục hành chính, theo đó những tài liệu phục vụ cho hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước thì cần mở rộng quyền tiếp cận đến tất cả cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với ý kiến của đại biểu Quốc hội và nhận thấy, thời gian qua Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu, đồng thời cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Nhiều tài liệu liên quan đến quy trình giải quyết thủ tục hành chính, bao gồm các tài liệu thuộc lưu trữ hiện hành đều được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức và mọi người đều có thể tiếp cận.
Điều 42 của dự thảo Luật đã quy định lưu trữ lịch sử, cơ quan, tổ chức quản lý tài liệu lưu trữ có trách nhiệm công khai danh mục hồ sơ, tài liệu lưu trữ trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi thực hiện quyền tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, đã đáp ứng yêu cầu như đề nghị của đại biểu Quốc hội.
Về hoạt động dịch vụ lưu trữ (Chương VI, từ Điều 53 đến Điều 56), có ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định các hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, vì các hoạt động này không ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động dịch vụ lưu trữ là hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu, liên quan đến tài liệu lưu trữ có giá trị bảo quản vĩnh viễn là tư liệu lịch sử của quốc gia, chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có những thông tin mà việc tiếp cận có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nên cần có sự quản lý chặt chẽ.
Hơn nữa, đây không phải là quy định mới mà kế thừa Luật Lưu trữ năm 2011 quy định tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đáp ứng các điều kiện nhất định, thực chất là điều kiện đầu tư kinh doanh. Do đó, việc quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là phù hợp.
Có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ hơn các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 3 nhóm dịch vụ quy định tại các điểm c, d, đ khoản 1 Điều 53, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay, nhóm dịch vụ về số hóa, tạo lập, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; tu bổ, khử trùng, khử axit, vệ sinh tài liệu, kho lưu trữ tài liệu và tư vấn nghiệp vụ lưu trữ quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 53 của dự thảo Luật đòi hỏi người cung cấp dịch vụ phải có kiến thức, kỹ năng chuyên ngành chuyên sâu về lưu trữ, do đó điều kiện cơ bản cần thiết là cá nhân phụ trách kỹ thuật, nghiệp vụ lưu trữ tại tổ chức kinh doanh dịch vụ, cá nhân độc lập kinh doanh các dịch vụ này phải có Chứng chỉ hành nghề lưu trữ như quy định tại khoản 5 Điều 53.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ cho đầy đủ, rõ ràng hơn như thể hiện tại khoản 3 Điều 56 của dự thảo Luật.
Ngày 3/1 hàng năm là “Ngày Lưu trữ Việt Nam”
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng hình thức bấm nút điện tử để thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi). Kết quả biểu quyết cho thấy, với 93,84% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đây là dự án Luật đầu tiên được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp lần này.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi) |
Theo đó, Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 8 chương 65 điều, bổ sung 11 điều, bỏ 12 điều, tách, nhập 09 điều thành 07 điều mới so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội.
Việc ban hành Luật Lưu trữ (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay.
Luật Lưu trữ (sửa đổi) quy định về quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; nghiệp vụ lưu trữ; tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; lưu trữ tư; hoạt động dịch vụ lưu trữ và quản lý nhà nước về lưu trữ.
Việc lưu trữ tài liệu thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam, tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt phải tuân thủ quy định của Luật này, trừ trường hợp tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia hoặc công nhận, ghi danh hình thức khác theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan thì ngoài việc thực hiện theo quy định của Luật này, còn phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan. Việc mang tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia ra nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trường hợp luật khác có quy định khác về thời hạn lưu trữ và trách nhiệm quản lý tài liệu lưu trữ tại lưu trữ hiện hành thì thực hiện theo quy định của luật đó….
Về chính sách của Nhà nước về lưu trữ, Luật Lưu trữ (sửa đổi) quy định: Xây dựng nền lưu trữ Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính, phục vụ nhân dân. Bảo đảm các điều kiện cần thiết cho lưu trữ. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư công và nguồn lực khác để hiện đại hóa lưu trữ, bảo đảm an toàn, toàn vẹn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực lưu trữ chuyên nghiệp, phục vụ; đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực lưu trữ; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thực hiện hoạt động lưu trữ.
Ngoài ra, xây dựng xã hội lưu trữ, khuyến khích tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư. Xã hội hóa lưu trữ; tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân trong nước đầu tư, kinh doanh dịch vụ lưu trữ. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tài trợ, tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế toàn diện về lưu trữ.
Luật Lưu trữ (sửa đổi) quy định rõ 5 hành vi bị nghiêm cấm gồm: Chuyển giao, cung cấp, hủy trái phép hoặc cố ý làm hư hỏng, mua bán, chiếm đoạt, làm mất tài liệu lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước quản lý; làm giả, làm sai lệch nội dung, làm mất tính toàn vẹn của tài liệu lưu trữ và dữ liệu chủ của tài liệu lưu trữ; truy cập, sao chép, chia sẻ trái phép tài liệu lưu trữ, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ;
Hủy trái phép tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt; sử dụng tài liệu lưu trữ hoặc lợi dụng hoạt động dịch vụ lưu trữ để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng; cản trở quyền tiếp cận, sử dụng hợp pháp tài liệu lưu trữ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; mang tài liệu lưu trữ ra nước ngoài, ra ngoài lưu trữ hiện hành, lưu trữ lịch sử trái quy định của pháp luật.
Tại Luật Lưu trữ (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về: Quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; nghiệp vụ lưu trữ; tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; lưu trữ tư… Đặc biệt, tại Luật Lưu trữ (sửa đổi) lần này đã quy định ngày 3/1 hàng năm là Ngày Lưu trữ Việt Nam.