Quốc hội "chốt" khởi điểm đấu giá biển số ô tô là 40 triệu đồng
Chiều ngày 15/11, với 473 đại biểu tán thành (bằng 94,98% tổng số đại biểu), Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tôtrong 3 năm, thực hiện từ ngày 1/7/2023. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết |
Ông Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá là chính sách mới, khác với quy định của luật hiện hành, nên cần trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Về phạm vi thí điểm, nhiều ý kiến nhất trí thí điểm trên phạm vi cả nước, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng nên thí điểm ở một số địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc.
“Về biển số ô tô đưa ra đấu giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định tại khoản 1 cho ngắn ngọn, nhưng cụ thể, rõ ràng. Về giá khởi điểm, quản lý và sử dụng tiền thu được từ đấu giá, một số ý kiến nhất trí như Tờ trình của Chính phủ quy định mức giá khởi điểm theo vùng”- Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu cụ thể.
Nhiều ý kiến đề nghị áp dụng thống nhất trong cả nước một mức giá khởi điểm như nêu trong Báo cáo thẩm tra là 40 triệu đồng; có ý kiến đề nghị thống nhất một mức giá khởi điểm là: 80 triệu đồng, 50 triệu đồng, 20 triệu đồng hoặc 0 đồng; ý kiến khác đề nghị giá khởi điểm 200 triệu đồng với biển số rất đẹp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội quy định một mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
Về quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số ô tô trúng đấu giá theo xe, một số ý kiến đề nghị bổ sung vào điểm C quy định người trúng đấu giá được giữ lại biển số để gắn sang xe khác trong trường hợp xe hỏng, bị mất, bị thu hồi…; quy định thời hạn phải đăng ký đối với trường hợp bán xe giữ lại biển số trúng đấu giá. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, bổ sung, chỉnh lý các quyền của người trúng đấu giá như tại khoản 1 Điều 6 để rõ ràng hơn, đầy đủ hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ là "không được chuyển nhượng, tặng cho, trao đổi, thừa kế biển số trúng đấu giá", trừ trường hợp biển số gắn với xe ô tô thì thực hiện theo quy định hiện hành nên đề nghị Quốc hội không bổ sung các nội dung liên quan đến quyền thừa kế và thuế chuyển nhượng biển số xe trúng đấu giá.
Về thời gian thực hiện thí điểm và điều khoản thi hành tại Điều 7, nhiều ý kiến nhất trí thời gian thí điểm là 3 năm, nhưng có ý kiến đề nghị thí điểm 1 đến 2 năm hoặc kéo dài lên 5 năm; một số ý kiến đề nghị ghi rõ thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết là ngày 01/01/2023 hoặc ngày 01/7/2023; một số ý kiến băn khoăn về quyền và nghĩa vụ người trúng đấu giá khi kết thúc thí điểm.
Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho thực hiện thí điểm trong 3 năm và đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều 7 như dự thảo Nghị quyết…
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thông tin thêm, ngoài các nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiến hành rà soát tiếp thu, chỉnh lý các nội dung khác có liên quan và chỉnh lý kỹ thuật văn bản và các nội dung bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất, ngắn gọn, dễ nhớ và thuận lợi trong việc thực hiện.