Quảng Ninh cần sẵn sàng mọi điều kiện để tăng tốc phát triển kinh tế
Tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh giữ vững ổn định
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, trong nhiệm kỳ 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì bình quân 5 năm tăng 10,7% - ở mức cao so với bình quân chung của cả nước. Thu ngân sách nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, giai đoạn 2016-2020, đạt trên 212.429 tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm hơn 72,9%.
Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ. Cụ thể, tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng từ 43,1% (2015) lên 44,6% (2020); du lịch, dịch vụ ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong 5 năm qua, số khách du lịch đến tỉnh ước đạt 55 triệu lượt, tăng 6,4%/năm. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng vẫn duy trì ở mức ổn định, đạt khoảng 49%, thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2020 ước đạt 6.700 USD, gấp 2 lần bình quân chung cả nước; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65,5% và là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh, đạt được những kết quả toàn diện thời gian qua, nhất là trong phòng, chống dịch COVID-19, trong chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 |
An sinh xã hội được quan tâm, tổng chi cho an sinh xã hội trong 5 năm ước đạt 8.981 tỷ đồng. Đến nay, Quảng Ninh không còn xã, thôn, bản nằm trong diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm sâu từ 4,56% năm 2015 xuống còn 0,36% năm 2020.
Tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2020, tỉnh Quảng Ninh chịu tác động bởi dịch Covid-19 và ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống KT-XH. Trước tình hình đó, Quảng Ninh đã thực hiện “mục tiêu kép” theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ” với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị … nhờ đó, đến nay tỉnh vẫn chủ động, kiểm soát tốt tình hình.
Tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn nằm trong số các địa phương có mức tăng trưởng cao trong cả nước; tổng thu ngân sách ước đạt 32.319 tỷ đồng, đạt 67% dự toán, tăng 4% so cùng kỳ. Về giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chỉ đạo của Chính phủ, đến ngày 26/8 Quảng Ninh thực hiện giải ngân đạt 7.973 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch vốn ngân sách địa phương giao đầu năm, bằng 98,7% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Quảng Ninh phấn đấu đến hết quý III năm 2020 đạt tỷ lệ giải ngân 100% theo tiến độ thu thực tế.
Về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tỉnh đã siết chặt công tác quản lý, trong tâm là các cửa khẩu, tuyến, địa bàn trọng điểm; tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu gắn với công tác phòng, chống dịch Covid - 19; đấu tranh, ngăn chặn, xử lý đối với các mặt hàng cấm, giá trị lớn... Qua đó, 8 tháng năm 2019 đã bắt giữ, xử lý 2.636 vụ buôn lậu, gian lận thương mại trị giá 23,4 tỷ đồng; xử lý hình sự 30 vụ, 34 đối tượng, phạt hành chính 1.891 trường hợp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đưa ra ý kiến rằng tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp |
Qua báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao kết quả mà tỉnh đã làm được. Mặc dù là tỉnh có đường biên giới dài với Trung Quốc cả trên biển và đất liền dẫn đến việc quản lý thị trường có nhiều khó khăn và phức tạp, nhưng đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ninh vẫn làm tốt, thị trường tương đối ổn định, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng cơ bản trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 vẫn được đáp ứng tốt, không có biến động lớn về giá.
Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm các tụ điểm nổi cộm về hàng giả, buôn lậu trong tỉnh, đặc biệt là xử lý các gian lận thương mại trên môi trường mạng đang có xu hướng gia tăng. Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Thứ trưởng cũng đưa ra ý kiến rằng tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp.
Tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch đi đôi với phát triển kinh tế
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đánh giá cao về những kết quả toàn diện của tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đối ngoại, đảm bảo an ninh quốc phòng và thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH…
Ngoài ra, trong giai đoạn cả nước phòng chống dịch Covid – 19, các cấp chính quyền Quảng Ninh đã quyết liệt thực hiện "mục tiêu kép", ngoài phòng chống dịch hiệu quả còn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế và đạt được mức tăng trưởng kinh tế nhóm cao cả nước... góp phần không nhỏ vào thành công chung của cả nước.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, Quảng Ninh cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả |
Trong bối cảnh dịch Covid – 19 vẫn còn diễn biến phức tạp Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Quảng Ninh bên cạnh việc tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịc, bên cạnh đó cần phải sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện, tăng tốc phát triển kinh tế, khuyến khích tiêu dùng, xuất khẩu, kích cầu du lịch ngay sau khi tình hình dịch bệnh đã kiểm soát.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng lưu ý cấp ủy Đảng, chính quyền Quảng Ninh cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung sức, đồng lòng vượt qua thách thức, khắc phục tồn tại, tháo gỡ điểm nghẽn, cản trở trong quá trình phát triển; khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững; khẳng định vai trò là cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là tiền đề đưa Quảng Ninh thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
Giai đoạn tới, cần tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2020, đảm bảo tăng trưởng ở mức 2 con số và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH; cần lưu ý chuẩn bị cho 5 năm tiếp theo tăng tốc.
Tiếp tục quán triệt nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ thiếu tinh thần, trách nhiệm, có dấu hiệu bao che, tiếp tay; tập trung điều tra, triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, kinh doanh hàng giả; tăng cường công tác tuần tra, phát hiện ngăn chặn hành vi xuât/nhập cảnh trái phép… Đồng thời, cần phát huy hệ thống giám sát thông minh, camera an ninh tại các vị trí trọng điểm, điểm nóng, phức tạp; ưu tiên đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực biên giới, quan tâm đến các vùng khó, vùng đồng bào dân tộc….
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Đoàn công tác Trung ương thăm Trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh |
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân 100% vốn đầu tư công, thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng, đảm bảo công khai, minh bạch, bảo đảm nhà thầu có năng lực triển khai dự án; tích cực giám sát, phòng chống tiêu cực trong việc thực hiện đầu tư công, tránh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư, lãng phí nguồn lực; yêu cầu chủ đầu tư cam kết từng dự án, trường hợp không đảm bảo tiến độ, xem xét xử lý, điều chuyển. Đặc biệt cần kiên quyết điều chuyển vốn các dự án giải ngân thấp sang các dự án có khả năng hoàn thành giải ngân cao, nhu cầu vốn lớn, có tác động lan tỏa đổi với phát triển KT-XH.
Đối với các kiến nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan khẩn trương, thúc đẩy nhanh các thủ tục pháp lý, hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.